Siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Đơn Dương

CHÍNH THÀNH - HỒNG THẮM 05:57, 12/07/2024

Đơn Dương 6 tháng đầu năm 2024, công tác giữ rừng được đánh giá đã thực hiện nghiêm túc, có chuyển biến tích cực, do đó số vụ vi phạm, diện tích và lâm sản thiệt hại đều giảm so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, vẫn còn địa bàn gần đây tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp, công tác quản lý chưa thực sự hiệu quả, còn yếu tố bảo vệ rừng lỏng lẻo.

Hiện trường các đối tượng cưa hạ thông rừng phòng hộ trên địa bàn thị trấn Dran
Hiện trường các đối tượng cưa hạ thông rừng phòng hộ trên địa bàn thị trấn D'ran

PHÁ RỪNG PHÒNG HỘ LẤY GỖ

Ông Đặng Quốc Thái Bình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đơn Dương thông tin, thống kê 6 tháng đầu năm 2024 (tính từ 15/12/2023 đến 15/6/2024), trên địa bàn huyện đã phát hiện lập biên bản xử lý 5 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, gồm: 3 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm, chiếm 60%); 2 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm, chiếm 40%; diện tích thiệt hại do phá rừng 0,1923 ha; lâm sản thiệt hại là 9,049 m3 với 295 cây tre.

So sánh với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm giảm 7 vu,̣ tương ứng giảm 58%, diện tích thiệt hại do phá rừng giảm 0,6362 ha, tương ứng giảm 76% và lâm sản thiệt hại giảm 127,088 m3, tương ứng giảm 93%. Tuy nhiên, ngay cuối tháng 6 và đầu tháng 7, tại khu vực rừng phòng hộ thuộc thị trấn D’ran, các đối tượng đã thực hiện phá rừng lấy gỗ trót lọt ít nhất 3 vị trí thuộc lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ D’ran quản lý.

Theo báo cáo từ UBND huyện Đơn Dương, ngày 29/6, nhận được tin báo có tình trạng khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại Tiểu khu 315 thuộc lâm phần quản lý, Ban Quản lý Rừng phòng hộ D’ran đã tổ chức kiểm tra, xác minh và phát hiện tại đây xảy ra 2 hiện trường khai thác rừng trái pháp luật với tổng khối lượng lâm sản thiệt hại là 28,87 m3, gồm 14 cây gỗ rừng tự nhiên (11 cây thông ba lá và 3 cây gỗ tạp). Thông rừng và gỗ tạp bị cưa xẻ đều thuộc đối tượng rừng phòng hộ.

Cụ thể, tại hiện trường thứ nhất thuộc lô d, khoảnh 4, Tiểu khu 315, các đơn vị chức năng xác định 5 cây thông ba lá tự nhiên (nhóm IV), đường kính gốc cắt từ 51 cm đến 70 cm, chiều dài từ 15 cm đến 20 m có tổng khối lượng 10,756 m3. Trong đó, lâm sản đã bị lấy đi có khối lượng là 8,469 m3, lâm sản còn tại hiện trường có khối lượng là 2,287 m3. Ngoài 2 hiện trường phá rừng trên, chúng tôi cũng ghi nhận theo 2 hiện trường với số lượng thông bị chặt hạ nhỏ lẻ cũng tại Tiểu khu 315, gồm 1 hiện trường 2 cây thông 3 lá lớn bị cưa hạ và hiện trường thứ hai có 4 cây thông nhỏ đường kính khoảng 15-20 cm bị chặt giáp vườn cà phê của một hộ dân.

Điều đáng quan tâm là đơn vị quản lý, đơn vị chủ rừng phát hiện sự việc sau khi các đối tượng phá rừng cách thời điểm kiểm tra từ 1 tới 1,5 tháng trước. Bên cạnh đó, qua quan sát hai hiện trường lâm tặc phá rừng để vận chuyển gỗ dẫn xuống núi là thôn Hamasing, thị trấn D’ran để tiêu thụ chỉ có một con đường độc đạo nhỏ hẹp. Và trên con đường độc đạo này có một trạm quản lý bảo vệ rừng. Đây là một căn chòi làm bằng gỗ để cho lực lượng nhận khoán, bảo vệ cùng cán bộ quản lý rừng địa bàn túc trực kiểm tra cháy rừng cũng như các hành vi phá rừng, vận chuyển gỗ, săn bắn động vật trái phép. 

Do đó, việc vận chuyển gỗ lậu bằng xe máy từ trên Tiểu khu 315 đi qua thôn Hamasing, diễn ra nhiều tháng qua khiến người dân tại đây đặt câu hỏi có hay không việc cán bộ phụ trách quản lý rừng tại khu vực buông lỏng quản lý, để các đối tượng dễ dàng phá rừng phòng hộ?

SẼ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VI PHẠM 

Ông Nguyễn Đình Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương nhận định, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện có nhiều nội dung, văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nên 6 tháng đầu năm các mặt thống kê các vi phạm lâm luật diễn ra nhỏ lẻ, giảm trên cả 3 mặt.

Tuy nhiên, ông Tịnh thừa nhận trong vụ việc các đối tượng phá rừng phòng hộ D’ran gần đây cán bộ quản lý rừng tại Tiểu khu 315, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng có yếu tố chủ quan, không kịp thời kiểm tra, giám sát đã để xảy ra sự việc đáng tiếc. Bên cạnh đó, khó khăn hiện nay là các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp ngày càng tinh vi, manh động, trong khi tại khu vực thị trấn D’ran nhiều diện tích rừng đan xen, giáp ranh với các diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân, cộng với giá trị của đất sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng đã gây nhiều áp lực lên công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp.

Đối với vụ phá rừng phòng hộ tại Tiểu khu 315, ông Tịnh cho biết, Huyện ủy, UBND huyện Đơn Dương ngay khi nắm bắt sự việc đã khẩn trương chỉ đạo, giao Công an huyện Đơn Dương phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, xác minh hiện trường, xử lý triệt để các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. Nếu đủ điều kiện sẽ tiến hành khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

“Quan điểm của huyện là địa phương, đơn vị nào tiếp tục để xảy ra việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng mà không kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện chúng tôi sẽ xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm một cách nghiêm minh. Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh bước đầu chúng tôi đã giao Phòng Nội vụ huyện tham mưu UBND huyện xem xét xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân có liên quan thiếu trách nhiệm trong quản lý dẫn đến việc phá rừng tại thị trấn D’ran”, ông Nguyễn Đình Tịnh thông tin.