Đà Lạt nỗ lực nâng cấp hạ tầng giao thông

CHÍNH THÀNH 00:20, 21/08/2024

TP Đà Lạt đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường nhằm hướng tới việc đồng bộ, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu đi lại tăng cao của người dân và du khách.

Đường Lê Hồng Phong đang được nâng cấp, mở rộng
Đường Lê Hồng Phong đang được nâng cấp, mở rộng

Nhiều tuyến đường nâng cấp thành phố đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành trước thời điểm tổ chức sự kiện quan trọng là Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10.

THÊM NHIỀU TUYẾN ĐƯỜNG ĐƯỢC NÂNG CẤP, MỞ RỘNG

Khoảng gần 4 năm trở lại đây, công tác chỉnh trang đô thị, đặc biệt là việc nâng cấp hạ tầng giao thông TP Đà Lạt được đánh giá có bước cải thiện rõ nét. Ấn tượng hơn cả là nhiều tuyến đường trung tâm được mở rộng gấp đôi, các nút giao thông trọng điểm lần lượt được cải tạo kết hợp sử dụng hệ thống đèn tín hiệu giao thông đã góp phần tạo diện mạo mới cho thành phố. Đơn cử như Dự án Mở rộng, nâng cấp đèo Prenn, mở rộng đường Trần Quốc Toản, Trần Phú, Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái... các nút giao thông mở rộng như: ngã 5 Kim Cúc, Trần Phú - Bà Triệu, Nguyễn Đình Chiểu - Quang Trung, ngã 5 đại học,...

Ngoài các dự án đã hoàn thành, các dự án nâng cấp hạ tầng được kỳ vọng giải quyết tình trạng ách tắc giao thông ở khu vực ra vào cửa ngõ thành phố đang được các các đơn vị liên quan nỗ lực đẩy nhanh tiến độ với từng gói thầu cụ thể. Điển hình là Dự án Đường vành đai TP Đà Lạt dài 7,4 km với tổng vốn đầu tư 870 tỷ đồng từ nguồn vốn của tỉnh dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành đang rất được người dân trông chờ. Hay như Dự án Xây dựng đường Cam Ly - Phước Thành có tổng chiều dài hơn 9,4 km có điểm đầu tại ngã ba Cam Ly đi Măng Lin và điểm cuối giao với đường 19 tháng 5 thuộc huyện Lạc Dương với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng cũng dự kiến hoàn thành cuối năm nay. 

Trong năm 2024, thành phố tiếp tục khởi công các dự án nâng cấp, mở rộng đối với nhiều tuyến đường nội ô cũng như trải thảm nhựa, nâng cấp đối với hàng chục tuyến đường hẻm. Theo ghi nhận ngày 19/8, tại tuyến đường Hoàng Văn Thụ (Phường 4), hàng chục công nhân, kỹ sư đang tất bật các công đoạn đo đạc, múc đất, xây taluy,... với mục tiêu hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường này cuối năm nay. 

Ông Trần Nhật Tiên (48 tuổi) sinh sống dọc tuyến đường cho biết, từ đoạn Hoàng Văn Thụ - Trần Phú tới ngã 3 Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Đình Quân chỉ dài hơn 1 km nhưng nhiều năm qua thường xuyên bị ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm do lưu lượng xe lưu thông lớn, trong khi mặt đường nhỏ, có khúc cua tay áo nguy hiểm. Do đó, khi chính quyền thành phố thông báo mở rộng tuyến đường, ông Tiên và bà con sinh sống dọc hai bên đường đồng lòng ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thi công dự án.

Cách đó khoảng 500 m, tại đường Lê Hồng Phong, các đơn vị nhà thầu cũng đang tất bật thực hiện các công đoạn chuẩn bị di dời đường điện, cáp ngầm, cây xanh,... thuộc dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường trên. Tại địa bàn Phường 3, Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn tới nay đã cơ bản triển khai xong các hạng mục nền đường, mương thoát nước và các hạng mục kỹ thuật và chuẩn bị các điều kiện để thảm nhựa. Ngoài việc tuân thủ quy chuẩn về an toàn, chất lượng, dự án này cũng được đơn vị thi công nỗ lực, cam kết vượt tiến độ, hoàn thành trước thời điểm Đà Lạt tổ chức sự kiện Festival Hoa lần thứ 10.

Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng tạo diện mạo mới cho các tuyến đường đã xuống cấp bằng các dự án trải thảm nhựa như đường Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Sương Nguyệt Ánh, Nguyễn Văn Trỗi,... Song song đó, ngành chức năng địa phương tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư nhằm chuẩn bị khởi công một số tuyến đường mới với mục tiêu giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo đảm an toàn giao thông đi lại của người dân.

MỞ RỘNG ĐƯỜNG, CHẶT HẠ 1 CÂY XANH, SẼ TRỒNG LẠI 3 CÂY

Bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, trong năm 2024, thực hiện các chủ trương, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt cùng kế hoạch chương trình đầu tư công, thành phố tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng trên toàn địa bàn với tổng vốn đầu tư 754 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn tỉnh phân bổ, hỗ trợ trên 335 tỷ đồng và TP Đà Lạt cân đối, chủ động từ nhiều nguồn vốn hơn 400 tỷ đồng. Hiện nay các dự án trọng tâm, trọng điểm nâng cấp cơ sở hạ tầng của thành phố đã giải ngân đạt khoảng 44% kế hoạch được giao.

Quá trình triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng đường nội thị hiện nay theo lãnh đạo TP Đà Lạt ngoài thách thức đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo hoàn thành tiến độ, kế hoạch thì để hài hòa, cân đối giữa phát triển giao thông và mảng xanh đô thị là vấn đề được thành phố quan tâm, tính toán kỹ lưỡng, bởi việc chặt cây xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cảnh quan đô thị, môi trường.

Theo ghi nhận thời gian qua, khi nắm bắt thông tin thành phố triển khai các dự án nâng cấp các tuyến đường, hầu hết người dân đều bày tỏ sự tiếc nuối đối với hàng cây xanh lâu năm và lo ngại việc chặt hạ, di dời gần như toàn bộ số cây xanh trên tuyến đường sẽ gây tác động về môi trường, cảnh quan. 

Do đó, theo bà Loan, nguyên tắc của thành phố lâu nay khi triển khai các dự án chỉnh trang đô thị thì nếu bắt buộc phải chặt hạ cây xanh để mở rộng đường thì chủ đầu tư dự án sẽ có phương án trồng nhiều hơn số cây bị đốn hạ, di dời.

Ví dụ như tại Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Lê Hồng Phong có tổng chiều dài 730 m với vốn đầu tư 39,3 tỷ đồng. Việc thực hiện dự án dự kiến sẽ phải chặt hạ 52 cây sò đo cam, di dời 1 cây mai anh đào và 1 cây pơ mu. Còn Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Văn Thụ có tổng chiều dài trên 1,2 km, tổng vốn đầu tư trên 138 tỷ đồng thì quá trình đo đạc, tuyến phố này có 118 cây xanh bị ảnh hưởng, trong đó có 10 cây gỗ tạp, 108 cây thông ba lá hàng chục năm tuổi.

“Mai anh đào và pơ mu là những cây quý nên thành phố đề xuất đào, di chuyển về vườn ươm giống tạm thời để sau này trồng lại. Đối với cây sò đo cam, đây là những cây lớn, có nguồn gốc từ châu Phi nên thành phố đề xuất chặt hạ những cây có thân bị mục, sinh trưởng kém. Phương án của thành phố đối với 2 dự án nêu trên về xử lý cây xanh trong phạm vi mặt bằng dự án là sẽ trồng thay thế 740 cây xanh để bù số chặt hạ, di dời khi nâng cấp đường và hiện thành phố đang đợi UBND tỉnh xem xét cho chủ trương để triển khai thực hiện” - bà Loan cho biết tại buổi giao ban, cung cấp thông tin báo chí tháng 8/2024 mới đây.

Tại Dự án Nâng cấp đường Phù Đổng Thiên Vương (Phường 8) có tổng mức đầu tư khoảng 278 tỷ đồng, chiều dài 2.450 m từ nút giao thông ngã 5 Đại học đến ngã 3 đường Thánh Mẫu dự kiến chuẩn bị khởi công trong thời gian tới cũng có một lượng lớn cây xanh nằm trong phạm vi dự án phải lên phương án xử lý. 

Về dự án này, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã đi kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị liên quan phải tính toán mức tổng đầu tư sát với thực tế, đặc biệt là lên phương án đường gom hai bên để giữ nguyên hàng trăm cây xanh, chủ yếu là hàng cây long não hai bên đường. Đây là phương án rất được người dân đồng tình ủng hộ vì gần như không tác động tới những cây xanh lâu năm. Tuy nhiên, đây là tuyến đường có lộ giới khá lớn nên việc giữ lại cây xanh mang tính khả thi cao, còn đa số các tuyến khác cần nâng cấp, mở rộng việc di dời, chặt hạ cây xanh là điều khó tránh khỏi.

Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, với nhiều dự án nâng cấp, mở rộng đường số lượng cây chủ đầu tư đề xuất chặt hạ cao và chủ yếu là cây lâu năm, có kích thước lớn. Trong số chủng loại cây thì thông ba lá là loài cây gắn liền với đặc trưng của TP Đà Lạt và đời sống của người dân. Do vậy, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP Đà Lạt cần công khai thông tin về các dự án và việc di dời, chặt hạ cây xanh để người dân hiểu rõ, đồng thuận.

Hi vọng với việc tiếp tục nâng cấp các tuyến đường nêu trên, mạng lưới về hạ tầng giao thông TP Đà Lạt thời gian tới sẽ dần đồng bộ, xứng đáng trở thành thành phố di sản, thành phố sáng tạo, với nhiều giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, du lịch và môi trường cảnh quan.