Những năm gần đây, Đà Lạt đã có những nỗ lực nhất định trong việc xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, trong đó luôn chú ý tạo thuận tiện cho người khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng người khuyết tật.
Những nút giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt hiện rất phức tạp và không có tín hiệu hỗ trợ người khiếm thị |
Đà Lạt vốn là thành phố du lịch danh tiếng lâu đời, là nơi hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách đến du lịch quanh năm, thế nhưng, việc đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng tiếp cận giao thông cho đối tượng người khuyết tật vẫn còn rất nhiều hạn chế, chưa thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người khuyết tật.
Một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay của Đà Lạt là tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng. Xe máy, ô tô đậu tràn lan, hàng quán lấn chiếm đã biến nhiều tuyến đường ở Đà Lạt trở nên chật hẹp và khó đi, đối với người khuyết tật đi xe lăn hay bị khiếm thị thì lại càng vô vàn khó khăn. Thậm chí, ở một số nơi mới được nâng cấp, cải tạo, đầu tư mở rộng đã có thiết kế hạ tầng dành cho người khuyết tật nhưng bị biến thành bãi giữ xe, chỗ bán hàng rong khiến những người này vẫn không có lối đi.
Chị N.T.N, một người có người nhà khuyết tật chia sẻ: “Mỗi lần muốn đưa người nhà đi dạo cho thư thái, tôi đều cảm thấy rất khó khăn vì không tìm được một đoạn đường nào thực sự thuận tiện. Xe lăn cứ đi được 1 chút thì lại bị mắc kẹt vào những chỗ gồ ghề, hoặc bị các phương tiện khác cản trở”.
Nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở thành phố hiện nay cũng chưa quan tâm đầu tư hạ tầng để người khuyết tật có thể tiếp cận. Một số nơi thì làm cho có lệ mà không phát huy được hiệu quả hoặc không thể sử dụng do bị dùng để làm những việc khác.
Đối với người khiếm thị, việc di chuyển trên đường phố luôn là một thử thách. Tại Đà Lạt, mặc dù mới đây đã có một số nút giao thông được đầu tư nâng cấp mở rộng hiện đại, lắp đặt đèn tín hiệu, nhưng hệ thống đèn tín hiệu dành cho người đi bộ không có tín hiệu âm thanh để hỗ trợ người khiếm thị. Điều này khiến họ phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác và luôn cảm thấy lo lắng khi qua đường.
Chị Lan, một người khiếm thị đang sinh hoạt ở Hội Người mù Đà Lạt, chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn được thỉnh thoảng tự mình đi dạo phố, nhưng mỗi khi ra đường bây giờ tôi luôn cảm thấy lo lắng. Vỉa hè gồ ghề nhiều ổ gà, hố ga, và đặc biệt là những nút giao thông phức tạp không có tín hiệu hỗ trợ người khiếm thị khiến tôi không dám di chuyển một mình”.
Đà Lạt được biết đến là một thành phố du lịch, nhưng rất ít địa điểm du lịch, khách sạn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về tiếp cận cho người khuyết tật. Nhiều nhà hàng, quán cafe, quán ăn, công viên vẫn chưa có nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật hoặc các thiết bị hỗ trợ khác.
Thực tế, chính sách để xây dựng giao thông tiếp cận cho người khuyết tật đã có, song thực tế mới chỉ có một số lượng nhỏ công trình đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nhưng có thể thấy rằng, hạ tầng giao thông tiếp cận hiện nay trên địa bàn TP Đà Lạt còn nhiều bất cập, các tiện ích cho người khuyết tật thiếu hoặc được xây dựng mang tính hình thức, chưa quan tâm thực sự đến công năng thực tế nên không gian để người khuyết tật tiếp cận, đường giao thông, các công trình, các cơ sở hạ tầng hay dịch vụ du lịch, công cộng khác hiện chưa thành một hệ thống, có nơi có nơi không.
Qua tìm hiểu của phóng viên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có thể kể đến nguyên nhân lớn nhất hiện nay đó là do nhận thức xã hội còn hạn chế. Nhiều người chưa hiểu và còn chưa quan tâm đến quyền lợi của người khuyết tật. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng cho đối tượng này hiện khá cao, trong khi số người sử dụng ít nên việc đầu tư cũng chắp vá, chưa được quy hoạch một cách đồng bộ và khoa học cũng khiến cho hạ tầng dành cho người khuyết tật không phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết vấn đề.
Để cải thiện tình hình, cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và lâu dài. Trong đó cần tăng cường tuyên truyền về quyền lợi của người khuyết tật và tầm quan trọng của việc xây dựng một môi trường sống bao trùm. Trong kế hoạch đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông trong giai đoạn tới, cần đặc biệt chú trọng đến việc tạo ra hạ tầng giao thông để người khuyết tật có thể tiếp cận, tham gia giao thông. Đặc biệt, cần quan tâm, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về giao thông tiếp cận, quan tâm tạo điều kiện cho người khuyết tật và các tổ chức đại diện tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin