Hơn 30 năm qua, cùng với sự phát triển thần kỳ về diện tích cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái..., kéo theo sự suy giảm về diện tích rừng nên Tây Nguyên đang phải đối mặt với hạn hán, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, môi trường, xã hội trong khu vực.
Bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng là biện pháp hữu hiệu nhất để giữ nguồn nước |
Tây Nguyên có diện tích 54,508 km2 (chiếm gần 16,4% diện tích cả nước); số dân 5.525.800 người (chiếm 6,1% dân số cả nước); là một loạt cao nguyên liền kề: Cao nguyên Kon Tum có độ cao khoảng 500 m, cao nguyên Kon Plông và cao nguyên Kon Hà Nừng, Plâyku có độ cao khoảng 800 m, cao nguyên Mdrak có độ cao khoảng 500 m, cao nguyên Đắk Lắk có độ cao khoảng 800 m, cao nguyên Mơ Nông có độ cao khoảng từ 800 - 1.000 m, cao nguyên Lâm Viên có độ cao khoảng 1.500 m, cao nguyên Di Linh có độ cao khoảng từ 900 - 1.000 m. Có thể chia thành ba tiểu vùng địa hình đồng thời là ba tiểu vùng khí hậu gồm: Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai), Trung Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông), Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng).
Nơi đây vốn có nguồn nước mặt lớn với hệ thống hồ nước, sông, suối nhiều và là vùng có nguồn nước ngầm tốt. Hơn 30 năm qua, cùng với sự phát triển thần kỳ về diện tích cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái (sầu riêng, bơ), kéo theo sự suy giảm về diện tích rừng, Tây Nguyên đang phải đối mặt với hạn hán, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, môi trường, xã hội. Cụ thể, từ năm 1990 đến nay, diện tích rừng Tây Nguyên suy giảm nghiêm trọng, suy giảm đa dạng sinh học; từ 88,95% diện tích che phủ rừng (1990), thì đến nay độ che phủ rừng chỉ còn 34%.
Thay vào đó, diện tích cây công nghiệp dài ngày cũng tăng lên không ngừng, chủ yếu cà phê 650.000 ha (90% diện tích cà phê cả nước), tiêu: 100.000 ha, cao su và cây điều; cà phê, hồ tiêu là cây trồng có nhu cầu nước tưới cao. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, mùa khô kéo dài, khô hạn nghiêm trọng, việc canh tác nông nghiệp thâm canh cần nhu cầu nước tưới lớn gây áp lực lên nguồn nước ngầm và nguồn nước bề mặt; đồng thời việc phun thuốc trừ sâu và phân bón hóa học ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và hệ sinh thái.
Hơn thế nữa, xu hướng đô thị hóa cùng phát triển hạ tầng, bê tông hóa, cùng canh tác nông nghiệp nhà lưới, nhà kính đã làm tăng lượng nước bề mặt chảy tràn, giảm lượng nước mưa thấm trực tiếp vào đất, giảm lượng nước bổ sung cho nguồn nước ngầm. Việc lãng phí và ô nhiễm nguồn nước do phát triển chưa có quy hoạch hợp lý, thiếu kế hoạch sử dụng và lưu trữ nước hiệu quả, quản lý nước không bền vững, lãng phí và cạn kiệt nguồn nước… cũng đang diễn ra. Khai thác nước quá mức cho vùng đô thị và vùng trồng cà phê; việc phá rừng để trồng cây công nghiệp đã không giữ được nước mà ngược lại gây tiêu tốn nguồn nước hơn. Phá rừng cũng gây thoái đất, làm giảm khả năng giữ nước của đất, giảm lượng nước ngầm và khả năng lọc nước tự nhiên, gây xói mòn và mất đất.
Trước thực trạng sử dụng đất và nguồn nước ở Tây Nguyên, vấn đề sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn nước là vấn đề cấp bách, nhiều giải pháp đã được các nhà khoa học, nhà quản lý đặt ra. Trong đó chỉ rõ nguyên nhân thiếu nước là do con người, do phá rừng, do tác động quá thô bạo vào thiên nhiên, làm mất cân bằng nguồn nước. Các yếu tố độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa, thảm phủ rừng, và nguồn nước đều có mối liên hệ chặt chẽ và tương tác qua lại ảnh hưởng lẫn nhau; vì vậy cần duy trì các yếu tố này ở trạng thái cân bằng.
Theo PGS.TS Nguyễn Nguyên Minh - Khoa Môi trường & Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ: Hiệu quả sử dụng nguồn nước của chúng ta đang rất thấp và quá lãng phí, với 1m3 nước tiêu tốn cho canh tác chúng ta chỉ thu được 2,37 đô la, trong khi con số trung bình toàn cầu là 19,42 đô la. Cần quản lý nước thích ứng với điều kiện thay đổi, cần thay đổi các loại cây trồng hoặc các loài tiêu thụ ít nước. Trong đó, thay đổi cách thức, phương pháp mới, phát triển phải dựa trên nền tảng thuận thiên, sản xuất nông nghiệp thuận theo tự nhiên để phát triển bền vững. Khu vực Tây Nguyên cần như bố trí đất đai theo các mô hình khác nhau; so sánh giữa giá trị với đầu tư diện tích, lượng giống, lượng nước, lượng phân và giá trị đầu ra.
Cần phối hợp giữa cơ quan quản lý đất đai và tài nguyên nước, đảm bảo việc sử dụng đất không gây hại đến nguồn nước và ngược lại. Việc chọn giống thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, canh tác ngoài nhà kính, có sức chống chịu tốt, cho năng suất, chất lượng cũng là một giải pháp. Thích nghi tiềm năng cây trồng với đa nhân tố, trồng cây nhiều tầng, nhiều tán, xen canh hỗn hợp là cách để tạo ra các tầng rễ giữ nước, giữ đất.
Cần quản lý tốt hơn để hạn chế tối thiểu sự đánh đổi giữa phát triển và khai thác cạn kiệt nguồn nước bằng cách đưa vào các chương trình, công nghệ, chính sách và quy định mới, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước. Coi trọng kinh nghiệm phong phú của cộng đồng địa phương, đặc biệt là người dân trong việc sử dụng nước. Đổi mới sáng tạo để tăng giá trị của nước, đạt được giá trị nhiều hơn với lượng nước sử dụng ít hơn, cả quy mô trong và ngoài trang trại.
Trong đó giải pháp hữu hiệu nhất, bền vững nhất là trồng rừng, phục hồi rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng, quy hoạch rừng, nâng cao độ che phủ, phát triển kinh tế rừng, phát triển nông - lâm kết hợp, đa dạng các loại cây trồng, canh tác đa dạng sinh thái, nhiều lớp, nhiều tầng, nhiều tán, sản xuất thuận với tự nhiên, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tưới tiêu tiết kiệm nước, lựa chọn cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, không trồng trong nhà kính vẫn đảm bảo giá trị thu hoạch trên một diện tích, để giảm bớt diện tích trồng nhà kính, tránh suy giảm mặt nước ngầm. Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp dưới tán rừng, nông nghiệp cảnh quan, nông nghiệp du lịch xanh, sử dụng hiệu quả nguồn nước, bảo vệ nguồn nước. Phát triển các công trình thủy lợi vừa, nhỏ và cực nhỏ để trữ nước phục vụ trong từng hộ gia đình, từng trang trại. Nhân rộng mô hình sử dụng nước hiệu quả, đổi mới ứng dụng công nghệ trong canh tác nông nghiệp, chuyển giao công nghệ tưới tiêu tiết kiệm, canh tác nông nghiệp bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin