Thời gian qua, huyện Đam Rông đã chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Điều này góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc triển khai các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn huyện và đảm bảo an ninh trên địa bàn.
Quản lý tài nguyên khoáng sản hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương |
Trên cơ sở triển khai các quy định của pháp luật về khoáng sản, trong thời gian qua, huyện Đam Rông đã tập trung thực hiện việc lập quy hoạch, khoanh định các khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời thực hiện nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản; phân công, phân nhiệm giữa các cấp, các ngành trong quá trình triển khai việc giám sát, xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản. Đề xuất UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường về việc bổ sung quy hoạch, thăm dò khoáng sản; giải quyết theo thẩm quyền về thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất khoáng sản, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp để phục vụ các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Ghi nhận tại UBND huyện Đam Rông cho thấy, để đảm bảo thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về khoáng sản, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản được địa phương này tiến hành thường xuyên. Cụ thể, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông ông Trần Đức Bắc, hàng năm UBND huyện Đam Rông đều tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác - tập kết khoáng sản, tài nguyên nước, san lấp mặt bằng, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Trọng tâm công tác kiểm tra là hoạt động khai thác khoáng sản không phép trên địa bàn, việc thực hiện khai thác khoáng sản theo giấy phép đã được cấp, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, doanh nghiệp.
Kết quả kiểm tra, từ năm 2022 đến tháng 7/2024, đã phát hiện và xử lý 15 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền xử phạt đã nộp ngân sách nhà nước 484 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp số lợi bất hợp pháp sung công quỹ nhà nước 242,3 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: khai thác khoáng sản cát, đá không phép; có trường hợp khai thác ngoài ranh giới cấp phép; khai thác không đúng thông số; lưu giữ hồ sơ, tài liệu không đầy đủ,… Việc thực hiện thường xuyên và chặt chẽ công tác kiểm tra đã góp phần chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về khai thác khoáng sản.
Đối với khoáng sản chưa khai thác và khoáng sản ở khu vực giáp ranh, huyện Đam Rông đã triển khai các biện pháp bảo vệ hiệu quả. Trong đó có việc tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị và UBND các xã để kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép ở các khu vực bãi bồi, lòng sông. Ngoài ra, UBND huyện Đam Rông cũng đã phối hợp với các huyện Lâm Hà và Lạc Dương để ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác quản lý, trao đổi thông tin, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi giữa các lực lượng kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, chủ động phối hợp với các huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) và huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) nhằm phối hợp thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản khu vực giáp ranh.
UBND huyện Đam Rông cũng thông tin thêm về việc, để đáp ứng nhu cầu khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá, đất san lấp) phục vụ các công trình dự án trên địa bàn, hàng năm địa phương này đã thực hiện việc rà soát, đề xuất bổ sung các khu vực, điểm mỏ vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trình UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét phê duyệt. Đến nay, trên địa bàn huyện có 24 khu vực, điểm mỏ quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản của tỉnh.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Đam Rông UBND tỉnh đã cấp 4 giấy phép khai thác khoáng sản (1 đá xây dựng; 3 cát, sỏi xây dựng). UBND tỉnh cũng đã cấp 8 giấy phép thăm dò khoáng sản.
Thực tế hiện nay, theo nhận định của lãnh đạo địa phương này, hiện vẫn còn có dấu hiệu khai thác khoáng sản khu vực giáp ranh với huyện Đắk Glong, chưa được xử lý dứt điểm, do đường đi lại khó khăn (chủ yếu đồi núi, sông, suối) khó phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm.
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế thì nhu cầu cải tạo mặt bằng để làm nhà ở và sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện ngày càng tăng; tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền giải quyết xử lý khối lượng đất, đá dôi dư (sau khi cải tạo tại chỗ nhưng vẫn còn dôi dư) cần phải vận chuyển ra khỏi vị trí thửa đất để sử dụng cho mục đích khác; dẫn đến người dân không thể tạo mặt bằng để làm nhà ở và cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp (chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng) nhằm ổn định nơi ở và phát triển kinh tế.
Huyện có địa hình đồi núi, hầu hết diện tích hành lang đường bộ trên địa bàn huyện có địa hình không bằng phẳng (một bên là đồi núi cao, một bên là thấp trũng), người dân có nhu cầu hạ độ cao - phía taluy dương để nâng độ cao - phía taluy âm (đều thuộc diện tích hành lang đường bộ) tạo mặt bằng để thuận tiện cho việc đi vào thửa đất của hộ gia đình. Đồng thời, qua ghi nhận thực địa, việc hạ độ cao phần hành lang taluy dương góp phần mở rộng góc quan sát của người tham gia giao thông, đặc biệt đối với các khúc cua; nâng độ cao phần hành lang taluy âm góp phần gia cố kết cấu đường bộ, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, hệ thống mương thoát nước; phòng, chống sạt lở đất ra đường, ra mương thoát nước;… Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho việc đào, đắp, san, lấp mặt bằng diện tích thuộc hành lang. Do đó, dẫn đến tình trạng san lấp, cải tạo mặt bằng không phép vẫn còn xảy ra lén lút với quy mô nhỏ lẻ, thực hiện trong khoảng thời gian ngắn (hầu hết vào giờ nghỉ, ngày nghỉ lễ) gây khó khăn trong việc phát hiện ngăn chặn…
Hiện huyện Đam Rông đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý và bảo vệ tốt tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời có kiến nghị với các đơn vị cấp trên để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của địa phương về xử lý khối lượng đất, đá dôi dư trong quá trình cải tạo mặt bằng để làm nhà ở và sản xuất nông nghiệp đảm bảo theo quy định của pháp luật và điều kiện đặc thù của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin