Từ đầu tháng 6 tới nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương liên tục ghi nhận hàng trăm địa điểm có nguy cơ sạt lở đất. Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân trong cao điểm mùa mưa lũ năm 2024, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực triển khai giải pháp phòng, chống, đặc biệt là ở các khu vực có nguy cơ sạt trượt.
Một điểm sạt lở lớn trên đèo Tà Nung tại TP Đà Lạt |
Lâm Đồng là tỉnh nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 9.781,2 km2 (chiếm khoảng 3,1% diện tích cả nước), với 12 đơn vị hành chính cấp huyện. Khi mùa mưa đến, sạt lở đất thường xảy ra nhất là các tuyến đường đèo đoạn qua vùng đồi núi có độ dốc lớn. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện nay có 510 vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt. Ngoài ra, hiện tượng sạt lỡ đất còn xảy ra ở các đô thị trong tỉnh như ở Đơn Dương, Đà Lạt, Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông...
Tại địa bàn huyện Đam Rông, theo kết quả rà soát, thống kê hiện trên địa bàn huyện có 47 điểm có nguy cơ sạt lở, trong đó 8 điểm có nguy cơ sạt lở cao với 146 hộ dân nguy cơ bị ảnh hưởng. Vụ việc sạt lở nghiêm trọng nhất xảy ra trên địa bàn giữa tháng 7 đã làm 3 người dân bị thiệt mạng, sập hoàn toàn 2 căn nhà với ước thiệt hại về tài sản khoảng 3 tỷ đồng.
Lãnh đạo huyện Đam Rông đánh giá, do địa hình của huyện đồi dốc cao, địa chất kết cấu yếu dạng đất pha cát, cùng với ảnh hưởng của mưa lớn diện rộng làm cho đất ngậm nước gây ra sạt trượt đất. Mặt khác, do dân cư sinh sống bám theo dọc các trục đường giao thông có mái taluy cao nên tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng khi xảy ra sạt lở đất. Qua khảo sát nhiều vị trí người dân đã bạt mái dốc trước đây để tạo mặt bằng làm nhà ở, tạo ra mái đất có độ dốc lớn, không được gia cố hay giật cấp để hạ tải trọng trên đỉnh mái nên dẫn đến dễ xảy ra tình trạng sạt lở khối đất trên đỉnh khi có mưa lớn, mưa kéo dài.
Tương tự, tại địa bàn TP Đà Lạt, các đơn vị chức năng cũng ghi nhận 51 điểm. Riêng tuyến Quốc lộ 20, đoạn qua xã Trạm Hành, Xuân Trường đã xuất hiện 4 vị trí sạt lở đất. Hay vụ sạt lở taluy trong khu dân cư thuộc Phường 3 khiến 6 hộ dân phải di dời để đảm bảo an toàn.
Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, về nguyên nhân trực tiếp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại tỉnh Lâm Đồng, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình từ 1.750 - 3.150mm/năm, là tỉnh có lượng mưa luôn cao hơn bình quân chung cả nước. Lượng mưa cao, kéo dài nhiều ngày, cục bộ có những cơn mưa lớn là nguyên nhân làm nền đất bị yếu, gây sạt lở, sạt trượt. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng, san gạt, đào đắp tạo mặt bằng xây dựng để xây dựng công trình tại các vị trí, khu vực sườn dốc, tayluy âm/dương cao, có nguy cơ sạt trượt cũng là một trong nguyên nhân gây sạt lở, trượt, nứt đất và gây tác động đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Để tăng cường các giải pháp phòng, chống trước mắt cũng như lâu dài, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định phân bổ chi tiết nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023 trên địa bàn tỉnh với số tiền 280 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu do thiên tai gây ra trong thời gian vừa qua. Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ kinh phí được hỗ trợ cho 11 dự án công trình cho 8 địa phương và 1 đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện.
Song song đó, lãnh đạo UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ cụ thể để hạn chế nguy cơ sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung các nội dung: rà soát các công trình tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc có độ chênh taluy lớn để sớm xử lý. Rà soát các đồ án quy hoạch để đảm bảo hạn chế tối đa sạt trượt, ngập lụt; đảm bảo quy hoạch thoát nước. Lập bản đồ phân vùng sạt lở, lũ quét để làm cơ sở quản lý quy hoạch, xây dựng công trình. Xây dựng hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm sạt lở, ngập lụt. Tiếp tục thực hiện đề tài Nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu ngập lụt cho khu vực nội ô Đà Lạt đã được tỉnh phê duyệt danh mục năm 2023;…
UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, các sở, ngành, địa phương chủ động, tập trung triển khai các phương án, giải pháp phòng ngừa sạt lở đất, lũ quét, đặc biệt là việc yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Liên tục theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ; rà soát các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường có thể xảy ra; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực sông, suối, sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân; thực hiện nghiêm túc việc trực ban 24 giờ/24 giờ để kịp thời chỉ đạo, xử lý và ứng phó có hiệu quả các tình huống do thiên tai gây ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin