Mô hình "Biến rác thải thành quà tặng" do Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Trọng phát động đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo nên những giá trị nhân văn sâu sắc.
Số tiền thu được từ việc bán phế liệu đã được Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp Thạnh trao tặng các hoàn cảnh khó khăn |
Ngay những tháng đầu năm 2024, Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp Thạnh đã triển khai Mô hình “Biến rác thải thành quà tặng” tại 5 thôn của xã và lấy thôn Phú Thạnh làm điểm. Mỗi thôn trên địa bàn xã đều có 1 điểm thu gom rác tại hội trường thôn; riêng thôn Phú Thạnh được chọn làm điểm nên đặt vật dụng thu gom rác tại 5 cụm tổ. “Với hình thức tuyên truyền, vận động các hộ dân và người dân sinh sống ở từng địa bàn thu gom sách, vở, báo cũ, lon bia, vỏ nhựa... bỏ vào từng thùng đặt tại từng cụm tổ hoặc hội trường thôn, rồi đến ngày 15 và 20 hàng tháng sẽ được thu gom, bán ngay tại chỗ. Số tiền thu được từ việc bán phế liệu, chúng tôi sẽ dùng để tặng quà cho học sinh nghèo, người khuyết tật, những người khó khăn, ốm đau đột xuất... Đây không chỉ là những món quà vật chất mà còn là sự động viên tinh thần lớn lao, giúp họ vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống” - bà Phạm Thị Diễn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp Thạnh cho biết.
Cùng với mô hình trên, Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp Thạnh còn vận động quỹ nhân đạo hỗ trợ các đối tượng trên. Sau một thời gian triển khai mô hình, cùng với vận động từ quỹ nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp Thạnh đã thu được gần 37 triệu đồng; số tiền này, được dùng để trao 30 suất quà (mỗi suất 300 ngàn đồng) cho các em học sinh nghèo hiếu học vào dịp trước ngày tổng kết năm học, 12 suất học bổng (500 ngàn đồng/suất) cho các em vào dịp khai giảng năm học mới và thăm ốm đau bệnh tật 10 suất (500 ngàn đống/suất); hỗ trợ 1 hội viên sửa nhà tình thương 3 triệu đồng. “Mô hình Biến rác thải thành quà tặng không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ môi trường sạch đẹp, mà còn có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra tất cả các thôn, để lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng” - bà Phạm Thị Diễn nói thêm.
Cùng với Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp Thạnh, Hội Chữ thập đỏ xã Ninh Gia cũng là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả mô hình trên. Bà Nguyễn Thị Trâm - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ninh Gia nói: “Sau khi Hội Chữ thập đỏ huyện triển khai mô hình, chúng tôi đã họp Ban Chấp hành và triển khai về 9 chi hội trên địa bàn thôn; riêng 4 chi hội trường học thì vào năm học này sẽ bắt đầu triển khai. Khi bắt tay triển khai mô hình này, chúng tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã và các ban, ngành; trong đó, UBND xã đã hỗ trợ tiền để đóng 8 cái thuyền làm vật dụng thu gom rác thải đặt tại hội trường 8 thôn (riêng thôn Kinh Tế Mới chưa làm). Hàng tháng, chi hội tổ chức đi thu gom, về bỏ vô thuyền, bán và tập trung tiền lại. Số tiền này chúng tôi sẽ dùng để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật, học sinh nghèo trên địa bàn. Tuy nhiên, mới đây, trước những thiệt hại nặng nề mà cơn bão Yagi gây ra, Chi hội Chữ thập đỏ thôn Đăng Srôn đã dùng số tiền thu được từ việc bán phế liệu để ủng hộ người dân các tỉnh miền Bắc đang gặp khó khăn vì thiên tai. Đây là một việc làm rất kịp thời và thiết thực”.
Bà Bùi Thị Diệp - Chi hội phó Chi hội Chữ thập đỏ thôn Đăng Srôn, xã Ninh Gia cho biết: "Mô hình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân và chính quyền địa phương. Chúng tôi tin rằng, đây là một mô hình hay và cần được nhân rộng để xây dựng một cộng đồng văn minh, sạch đẹp”.
Bà Phạm Thị Thu Hường - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Trọng cho biết: Mô hình "Biến rác thành quà tặng" được Hội Chữ thập đỏ huyện chọn để đăng ký mô hình dân vận khéo năm 2024 bởi ý nghĩa thiết thực của mô hình. Thông qua mô hình này, Hội Chữ thập đỏ muốn chung tay cùng các cấp, các ngành, đoàn thể thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đức Trọng lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025, cũng như Nghị quyết Đại hội Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Trọng lần thứ XII, nhiệm kỳ 2021-2026.
“Việc thực hiện thành công mô hình này vừa góp phần bảo vệ môi trường "xanh, sạch, đẹp", xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và xây dựng khu dân cư tiêu biểu, khu dân cư kiểu mẫu, bên cạnh đó, còn tạo được nguồn quỹ nhân đạo hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn tại chính địa phương đó. Với mục đích và ý nghĩa như vậy, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã yêu cầu 100% Hội Chữ thập đỏ xã, thị trấn phải đăng ký và xây dựng được mô hình này. Tính đến nay, qua quá trình theo dõi, đôn đốc đã có nhiều đơn vị thực hiện rất hiệu quả; các đơn vị còn lại cũng đã tổ chức thực hiện, tuy nhiên, hiệu quả chưa rõ nét, chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc, trao đổi tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ các đơn vị thực hiện tốt trong thời gian tới” - bà Phạm Thị Thu Hường thông tin thêm.
Có thể nói, Mô hình "Biến rác thải thành quà tặng" do Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Trọng triển khai là một sáng kiến ý nghĩa, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây cũng là một minh chứng cho tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của cộng đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin