Giai đoạn 2021 - 2024, việc thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng quân đội Nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027” (gọi tắt Đề án 1371) đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy vậy vẫn còn những khó khăn đặt ra đòi hỏi lực lượng vũ trang tỉnh khắc phục để tiếp tục thực hiện Đề án hiệu quả trong tình hình mới.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh tham gia thi tìm hiểu pháp luật |
• NHIỀU GIẢI PHÁP ĐƯỢC TRIỂN KHAI
Đề án 1371 đã khẳng định 2 nhiệm vụ quan trọng của quân đội là phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho Nhân dân và vận động Nhân dân tham gia chấp hành pháp luật tại cơ sở. Xác định rõ hai nhiệm vụ đó, 3 năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL với nhiều hình thức đa dạng như: Phổ biến tập trung trực tiếp; tổ chức nói chuyện pháp luật, hội thi tìm hiểu pháp luật, Ngày Pháp luật; tổ chức PBGDPL cho Nhân dân thông qua các đợt làm công tác dân vận, công tác tiếp công dân, hoạt động giao lưu, kết nghĩa, hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức quần chúng...
Lực lượng vũ trang tỉnh đã kết hợp chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với việc vận động Nhân dân chấp hành pháp luật với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các chương trình do cấp trên và địa phương phát động như: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”… Đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL trong trường học thông qua tuyên truyền hướng nghiệp tuyển sinh quân sự, nói chuyện truyền thống nhân các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, địa phương, đơn vị… Từ đó, số lượng học sinh đăng ký tuyển sinh và trúng tuyển vào các học viện, nhà trường trong quân đội hàng năm luôn đạt tỷ lệ cao so với các địa phương trên địa bàn quân khu.
Việc thực hiện Đề án 1371 những năm qua đã góp phần xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đồng bào tôn giáo. Các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tình trạng khiếu nại vượt cấp ở nhiều địa phương giảm; ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm tham gia tố giác tội phạm của Nhân dân được nâng lên, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, kiềm chế tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
• KHẮC PHỤC HẠN CHẾ, NHÂN RỘNG CÁCH LÀM HAY
Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh nhận định: Những thành quả đạt được là đáng ghi nhận, tuy vậy, việc thực hiện Đề án 1371 hiện nay đang còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, công tác triển khai thực hiện Đề án của một số đơn vị còn thiếu trọng tâm, trọng điểm; nội dung công việc xác định trong kế hoạch còn chung chung, chưa sát với thực tế địa phương và đối tượng của Đề án; việc thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc, xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án ở một số đơn vị còn chậm. Một số đơn vị công tác phối hợp với cơ quan, ban, ngành của địa phương chưa chặt chẽ trong xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện; huy động các nguồn lực tại địa phương tham gia thực hiện Đề án còn hạn chế. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai thực hiện Đề còn chậm, chưa đạt hiệu quả cao; chất lượng biên soạn một số tài liệu tuyên truyền còn hạn chế, nội dung dài, chưa sát với đối tượng. Nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện Đề án của một số cán bộ, chiến sĩ chưa cao, còn xảy ra vi phạm pháp luật và kỷ luật…
Để thực hiện hiệu quả Đề án 1371, yếu tố tiên quyết đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền PBGDPL đối với sự nghiệp xây dựng quân đội trong tình hình mới. Đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu, giúp cấp ủy, người chỉ huy có những chủ trương, giải pháp sát, đúng, sáng tạo để thực hiện hiệu quả công tác này. Đồng thời có chỉ tiêu phấn đấu, phân công rõ trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách các địa bàn, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tránh biểu hiện qua loa, hình thức, đối phó.
Tình hình, điều kiện ở mỗi địa phương, địa bàn là khác nhau nên các đơn vị phải bám sát thực tiễn, khảo sát kỹ nhu cầu PBGDPL của từng nhóm đối tượng, địa bàn từ đó có chủ trương, biện pháp lãnh đạo và định hướng cho cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện Đề án phù hợp. Đặc biệt cần nắm chắc phong tục, tập quán của Nhân dân, đặc điểm địa bàn để triển khai tuyên truyền PBGDPL gắn chặt với công tác dân vận, thực hiện tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi để thực hiện tốt nhiệm vụ và từng bước xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Nội dung liên quan đến pháp luật thường khô cứng, khó tiếp thu, khó nhớ nên đòi hỏi phải có biện pháp, hình thức tuyên truyền sáng tạo, phù hợp. Nội dung tuyên truyền, giáo dục phù hợp, thiết thực, tránh dàn trải.
Tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 (2021 - 2024) thực hiện Đề án 1371 vừa qua, Đại tá Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh yêu cầu với chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh: So với các tỉnh trong Quân khu 7, Lâm Đồng là địa bàn đặc thù với 47 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó dân tộc thiểu số chiếm 25,7% dân số toàn tỉnh. Bởi vậy cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ người đồng bào dân tộc thiểu số để tiến hành tuyên truyền PBGDPL trong khu vực này bằng tiếng dân tộc thiểu số. Đồng thời phát huy vai trò của đội ngũ dân quân tự vệ - lực lượng sát sườn với Nhân dân để tiến hành tuyên truyền PBGDPL linh hoạt, phù hợp và đảm bảo hiệu quả.
Đồng thời, để đảm bảo việc thực hiện Đề án 1371 giai đoạn tới đạt hiệu quả, thực chất, các đơn vị kịp thời phát hiện những mô hình, cách làm hay, hiệu quả để phổ biến, nhân rộng, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những nơi làm chưa tốt, trách nhiệm chưa cao, hình thức, đối phó, hiệu quả thấp...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin