Sở Y tế Lâm Đồng vừa ghi nhận thực trạng khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý kiểm soát để đảm bảo an toàn thực phẩm và đã có đề xuất với Bộ Y tế.
Kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở Đức Trọng |
• ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN TỰ CÔNG BỐ SẢN PHẨM
Nghị định số 15, ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) ra đời đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thực hiện tự công bố sản phẩm. Các cơ sở trên được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó ngay sau khi tự công bố (trừ thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định phải thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm).
Tuy nhiên, Nghị định số 15 không quy định cụ thể về việc kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ. Vì vậy, rất khó có thể đảm bảo chất lượng của các sản phẩm thực phẩm được lưu thông trên thị trường. Các sản phẩm tự công bố một cách dễ dàng, không qua xét duyệt của các cơ quan chuyên môn, do đó vẫn còn tình trạng sản phẩm công bố không đúng, không đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định. Trong khi đó, hoạt động kiểm tra, hậu kiểm chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu so với thực tế, nhất là trong bối cảnh lượng sản phẩm tự công bố ngày càng phong phú. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát ATTP đối với các sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn.
Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều loại sản phẩm thực phẩm nhưng số lượng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia còn ít cũng gây khó khăn trong công tác quản lý khi cơ sở thực hiện tự công bố sản phẩm. Hiện tại, chưa thống nhất các từ ngữ trong Luật ATTP ngày 17/6/2010 và Nghị định số 15 trong việc giải thích các từ ngữ: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, “Thực phẩm chức năng”. Sở Y tế Lâm Đồng đề xuất, kiến nghị Bộ Y tế thống nhất việc giải thích từ ngữ trong Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về ATTP theo hướng các cơ sở sản xuất thực phẩm bao gói sẵn phải thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm. Việc thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm là có thời hạn và quy định rõ về chủ thể đăng ký để đảm bảo chất lượng thực phẩm được lưu thông trên thị trường, đồng thời nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước. Tiếp tục ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các nhóm sản phẩm để thuận tiện cho công tác quản lý đối với các sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn.
• ĐỐI VỚI VIỆC QUẢN LÝ CÁC CƠ SỞ KINH DOANH THỰC PHẨM, KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG
Tại điểm G và H, khoản 1, Điều 12 của Nghị định số 15 quy định nhà hàng trong khách sạn và bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về ATTP đối với 2 loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống này và trên thực tế khi triển khai vẫn còn nhiều bất cập.
Ngoài ra, định nghĩa về “cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ” chưa rõ ràng (cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật), theo đó các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng xếp vào loại cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, mà theo quy định “cơ sở sản xuất thực phẩm” thì phải cấp giấy trong khi “cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ” thì không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP dẫn đến việc thực hiện ở mỗi địa phương, mỗi ngành là khác nhau.
Việc kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo Quyết định 1246, ngày 31/3/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống còn nhiều bất cập (chỉ phù hợp với các cơ sở chế biến các món ăn với số lượng lớn trong một bữa như bếp ăn tập thể, nhà hàng tiệc cưới, cơm đoàn...; rất khó thực hiện đối với các nhà hàng, quán ăn phục vụ nhiều món ăn với số lượng ít; chưa có định nghĩa các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống).
Việc quản lý các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, dịch vụ nấu ăn lưu động còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết là các cơ sở nhỏ lẻ, thời vụ, tự phát; chưa quản lý được hoạt động kinh doanh thực phẩm trên mạng, đặc biệt tại các tài khoản cá nhân (zalo, facebook, tiktok... ).
Trong sản xuất nước uống đóng chai (bình) chưa có quy định cụ thể cho quy trình sản xuất, danh mục các loại hóa chất sát khuẩn bình; các loại hóa chất được dùng để sát khuẩn bình thường dùng hiện nay (Chloramine B, BP3...) chưa loại nào có giấy phép lưu hành.
• ĐỐI VỚI VIỆC XÁC NHẬN KIẾN THỨC AN TOÀN THỰC PHẨM
Tại khoản 2, Điều 4 của Nghị định số 155, ngày 12/11/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế quy định: “Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải được tập huấn kiến thức ATTP và được chủ cơ sở xác nhận…”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm thuộc cơ quan nào thực hiện tập huấn kiến thức ATTP. Việc giao cho các doanh nghiệp, cá nhân tự tổ chức tập huấn không đảm bảo tính khách quan và tính hiệu quả trong thi hành pháp luật. Sở Y tế Lâm Đồng đề xuất Bộ Y tế ban hành quy định rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm thuộc cơ quan nhà nước trong việc thực hiện tập huấn kiến thức ATTP cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo tính khách quan và tính hiệu quả trong thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, đối với quy định về nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về ATTP, Luật Thanh tra ngày 14/11/2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 nhưng đến nay vẫn chưa có các văn bản chuyên ngành quy định việc thanh tra về lĩnh vực ATTP. Vì vậy, Bộ Y tế cần sớm sửa đổi, bổ sung nội dung thanh tra về ATTP tại Điều 66 và Điều 67 của Luật ATTP để phù hợp với Luật Thanh tra mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin