Lạc Dương giữ rừng kết hợp trồng rừng

VĂN VIỆT 06:14, 02/10/2024

Thực hiện Đề án 1836 “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, huyện Lạc Dương đã đạt nhiều kết quả giữ rừng kết hợp với trồng rừng trên địa bàn. 

Sản xuất cà phê bền vững gắn với bảo vệ rừng ở Lạc Dương
Sản xuất cà phê bền vững gắn với bảo vệ rừng ở Lạc Dương

TRỒNG 40.849 CÂY THÔNG 3 LÁ TRÊN DIỆN TÍCH ĐẤT TRỐNG

Theo đánh giá chung, thuận lợi ở huyện Lạc Dương phần lớn diện tích rừng đã giao khoán theo nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng được tăng lên, từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân thực hiện Luật Lâm nghiệp luôn được duy trì thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, huyện Lạc Dương cũng đã xác định những khó khăn đi vào triển khai Đề án 1836 nói trên của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, huyện Lạc Dương có diện tích tự nhiên rộng và trải dài 131.393 ha, chiếm tỷ lệ khoảng 85% diện tích rừng, đặc biệt rừng thông 3 lá thuần loài và rừng lồ ô, tre nứa, trong khi biên chế lực lượng kiểm lâm và chủ rừng còn thiếu nhiều.

Mặt khác nhu cầu đất sản xuất nông nghiệp của người dân ngày càng tăng cao, mặc dù tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Lạc Dương trong thời gian qua đã được kiểm soát, song vẫn còn diễn ra phức tạp. Một số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp không có tài sản để cưỡng chế, răn đe và phòng ngừa chung.

Nhận diện những thuận lợi khó khăn nói trên, huyện Lạc Dương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 gồm 23 thành viên. Qua đó, “các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động hộ dân đang sản xuất ổn định trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp tiến hành trồng xen cây lâm nghiệp để khôi phục tỷ lệ che phủ rừng. Đối với quy chế phối hợp đã ký kết, Hạt Kiểm lâm huyện và các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Riêng Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã sơ kết 1 năm thực hiện quy chế phối hợp với UBND và công an cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, tài nguyên khoáng sản và phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời gian qua...”, theo UBND huyện Lạc Dương.

Kết quả tính riêng trong quý III/2024, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương phối hợp với đơn vị chủ rừng và UBND các xã, thị trấn tổ chức giải tỏa 368 vụ lấn chiếm trái phép gần 61 ha đất lâm nghiệp. Trong đó diện tích tái lấn chiếm (251 vụ, gần 39 ha); diện tích lấn chiếm mới (117 vụ, hơn 22 ha). Ngoài ra, Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim tiến hành trồng 40.849 cây thông 3 lá trên diện tích đất trống, nguồn kinh phí từ chương trình 50 triệu cây xanh.

• TỔ CHỨC TUẦN TRA, KIỂM TRA, TRUY QUÉT

Gắn với công tác tuyên truyền, vận động, Ban Chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Lạc Dương tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét và xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn. Như Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương tổ chức 64 đợt kiểm tra tại các Tiểu khu 94A, 95, 96A, 97, 119, 120, 121 (xã Đạ Nhim); 93, 94B, 122, 123 (xã Đạ Chais); 243B, 225, 226, 227A, 227B, 110, 61, 75 (xã Lát); 141, 142, 143, 115, 116, 118, 114B, 144A, 145A (xã Đạ Sar); 28, 39, 40, 41, 62, 63, 74, (xã Đưng K’nớ). Bên cạnh xử lý các vụ vi phạm xảy ra, Hạt Kiểm lâm Lạc Dương đôn đốc đơn vị chủ rừng tích cực quản lý, bảo vệ rừng, giải toả ngay các diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm; tăng cường phối hợp với Ban Lâm nghiệp xã tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời phát hiện và lập hồ sơ xử lý vi phạm.

Với Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim tổ chức 74 đợt kiểm tra các Tiểu khu 145 (thị trấn Lạc Dương); 144A, 145A, 141, 142, 143, 115, 116, 118, 131, 132, 133, 134, 135 (xã Đạ Sar); 94A, 95, 96A, 97, 119, 120, 121 (xã Đạ Nhim); 123, 122, 94B, 93 (xã Đạ Chais); 75A, 61, 99, 110, 111A, 227A (xã Lát); 8, 30, 31, 39, 40, 41, 42, 62, 63, 74 (xã Đưng K’nớ). Qua đó, chỉ đạo các Trạm Quản lý, bảo vệ rừng trực thuộc phối hợp với kiểm lâm địa bàn, Ban Lâm nghiệp xã tổ chức trực thường xuyên cũng như đẩy mạnh trồng, khôi phục lại rừng trên diện tích đất lâm nghiệp trống, diện tích rừng nghèo kiệt và diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm đã giải toả.

“Công tác tuần tra, kiểm tra rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đã được Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, thị trấn và đơn vị chủ rừng tăng cường thực hiện. Do vậy tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp cơ bản khống chế; giảm sâu về số vụ vi phạm, diện tích rừng thiệt hại và khối lượng lâm sản thiệt hại. Các đơn vị chủ rừng nhà nước đã phát huy trách nhiệm bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện vi phạm và phối hợp cùng lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý...”, UBND huyện Lạc Dương đánh giá.