Bài 2: Đổi thay từ các chính sách
Thực hiện Nghị quyết số 08 của Đảng bộ huyện, đến nay, Cát Tiên đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, đời sống kinh tế - xã hội; các chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; công tác giảm nghèo có chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nói riêng được nâng lên đáng kể.
Người ĐBDTTS được chăm sóc y tế đầy đủ tại xã Đồng Nai Thượng |
Đồng Nai Thượng là xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh huyện Cát Tiên nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Đây là xã có đông người ĐBDTTS sinh sống, chiếm tỷ lệ hơn 97% dân số toàn xã. Để giúp ĐBDTTS phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, các cơ quan, đơn vị huyện Cát Tiên đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án; tích cực hỗ trợ các hộ ĐBDTTS vay vốn tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Chúng tôi ghé thăm vườn mẫu trồng cây sầu riêng xen cà phê và bơ của gia đình ông Điểu K’Lọ ở thôn Đạ Cọ, xã Đồng Nai Thượng. Thời điểm này, gia đình ông đang tập trung chăm sóc, phục hồi cho vườn sầu riêng vừa vụ thu hoạch. Ông Điểu K’Lọ cho biết, năm 2019, gia đình ông đã cải tạo, chuyển đổi 1 ha diện tích cây điều già cỗi, năng suất thấp sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao. Trong đó, ông trồng 70 cây sầu riêng Thái, gần 40 cây bơ và cà phê ghép xen với nhau. Đến nay, cây cà phê đã cho thu hoạch vụ trong niềm vui trúng mùa, đạt giá, còn 70 cây sầu riêng Thái của gia đình ông cũng đã cho thu vụ bói đầu tiên. Ông Điểu K’ Lọ cũng chia sẻ, so với cây điều thì việc trồng cây sầu riêng, cây bơ cũng như cây cà phê đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công chăm sóc nhiều nên để giảm bớt công lao động, gia đình đã lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho cây sầu riêng và cây bơ.
Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2023, xã Đồng Nai Thượng có tổng diện tích canh tác đạt gần 95% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích cây lâu năm đạt vượt 100%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm; xã duy trì số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt gần 95%; 5/5 thôn đạt chuẩn văn hoá; duy trì xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới; duy trì xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 99%; tỷ lệ Bảo hiểm y tế toàn dân đạt trên 96%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết, trong giai đoạn 2022-2024, huyện Cát Tiên đã đầu tư phân bổ nguồn vốn để thực hiện các dự án để hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt phân tán, các công trình nước sinh hoạt tập trung… cho người dân vùng ĐBDTTS với kinh phí 19.452 triệu đồng. Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn huyện, triển khai hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng hộ và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ĐBDTTS trên địa bàn đã giảm 11,68%, từ 14,62% xuống còn 2,94%; thu nhập bình quân đầu người của ĐBDTTS cuối năm 2023 đạt 46,2 triệu đồng/người, đến năm 2025 ước đạt 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ trẻ em người ĐBDTTS nhập học đúng tuổi bậc tiểu học 100%; tỷ lệ người ĐBDTTS hoàn thành chương trình tiểu học 100%; tỷ lệ người ĐBDTTS tham gia Bảo hiểm y tế đạt 96%; tỷ lệ trẻ em người ĐBDTTS dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 12,08%...
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện nay cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân theo tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ đường giao thông vùng ĐBDTTS từ thôn, buôn đến trung tâm xã được cứng hoá là 100%. Huyện Cát Tiên đã quan tâm chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả cán bộ người ĐBDTTS, nhất là đào tạo các chức danh chủ chốt là người DTTS; vai trò của già làng, trưởng thôn (bản), người có uy tín ngày càng được nâng cao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng ĐBDTTS luôn được giữ vững và ổn định; kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc trong dân, không có xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người trên địa bàn.
Đặc biệt, trong số 23 sản phẩm được công nhận OCOP toàn huyện thì có 6 sản phẩm OCOP trong vùng ĐBDTTS và có 2 cá nhân là người ĐBDTTS làm chủ sản phẩm OCOP. Đó là bà Ka DRường, xã Phước Cát 2 với sản phẩm chè dây san tuyết và bà Bế Thị Thu Huyền, thị trấn Phước Cát với các sản phẩm từ hạt ca cao. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã có 2 vùng liên kết sản xuất sầu riêng tại các xã vùng ĐBDTTS tại xã Nam Ninh, Đồng Nai Thượng đã được công nhận mã số vùng trồng.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, đến nay, huyện Cát Tiên đã đạt được những kết quả quan trọng; tính chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy Đảng, chính quyền được nâng lên; công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc được thực hiện đồng bộ; hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt, có chỉ tiêu vượt so với Nghị quyết.
Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền đã kịp thời nắm bắt tình hình, giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến công tác dân tộc; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; công tác giảm nghèo có chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nói chung và ĐBDTTS nói riêng được nâng lên đáng kể.
Trong thời gian tới, Huyện ủy Cát Tiên sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS trên địa bàn huyện; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng ĐBDTTS, hướng tới phát triển bền vững và thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của ĐBDTTS trong phát triển kinh tế - xã hội. Huy động các nguồn lực hợp pháp, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin