Tăng cường truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa trong tỉnh 

VIẾT TRỌNG 06:22, 23/10/2024

Nhiều hoạt động đã được các cấp, các ngành cùng các huyện, thành trong tỉnh triển khai nhằm tăng cường công tác quản lý, hướng đến mục tiêu giảm sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn Lâm Đồng. 

Trao tặng các giỏ xách cho hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Lạt sử dụng nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông dùng 1 lần 
tại Lễ phát động hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024
Trao tặng các giỏ xách cho hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Lạt sử dụng nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông dùng 1 lần tại Lễ phát động hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024

XÂY DỰNG LỐI SỐNG THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG 

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường (BVMT) - Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) Lâm Đồng, cho đến nay, hầu hết các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền “chống rác thải nhựa” theo yêu cầu của UBND tỉnh, đồng thời triển khai tốt các nhiệm vụ căn cứ theo Kế hoạch “Tăng cường công tác quản lý hướng tới mục tiêu giảm sử dụng và phát thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025” được ban hành trong tháng 12/2022 kèm theo Quyết định số 2909 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Cụ thể, các cơ quan hành chính tỉnh đến nay đã có các hoạt động nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan về tác hại của rác thải nhựa đến môi trường và sức khỏe con người, hạn chế tối đa việc sử dụng các túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, có thể tái chế, tái sử dụng; thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa dùng một lần tại nơi làm việc và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường như chai, cốc thủy tinh hoặc các loại vật liệu dễ phân hủy. 

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các đơn vị như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội các sở, ban, ngành, các huyện, thành đã ban hành kế hoạch triển khai phong trào, mô hình hoạt động giảm phát thải nhựa tại cơ quan, đơn vị; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lồng ghép tuyên truyền vào công tác chuyên môn, vận động từ bỏ thói quen sử dụng bao bì ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; không sử dụng nước đóng chai nhựa, ống hút nhựa, ly nhựa trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; tổ chức dọn dẹp, vệ sinh môi trường chỗ làm việc và trong khuôn viên công sở; trồng thêm cây xanh, hoa; cử đoàn viên, thanh niên tham gia ra quân ngày Chủ nhật xanh, chỉnh trang khuôn viên cơ quan.

Còn ngành Giáo dục - Đào tạo của tỉnh đến nay cũng đưa BVMT vào học đường. Toàn bộ các trường học trong tỉnh tích hợp giáo dục nâng cao nhận thức BVMT, phòng, chống nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông vào một số môn học cũng như trong các hoạt động trải nghiệm cho học sinh từ cấp tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Nhiều trường học thường xuyên tổ chức các chương trình sinh hoạt ngoại khóa về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn trong học đường; tổ chức cho học sinh ra quân ngày Chủ nhật xanh, thu gom rác thải quanh trường học và trên các tuyến đường đã đăng ký. Cho đến nay, các trường học trong tỉnh đã tổ chức trên 600 hoạt động BVMT với sự tham gia của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong đó có việc thu gom, phân loại rác thải tại trường học, bỏ rác thải vào các thùng đựng rác theo mô hình thùng rác 3 màu. 

Với ngành Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã hướng dẫn các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện một số biện pháp BVMT, hạn chế sử dụng túi ni lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần; ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, hệ thống thoát nước, thu dọn và phân loại túi ni lông, đồ nhựa, trồng hoa và cây xanh trong khuôn viên khách sạn, điểm du lịch; góp phần giữ gìn, bảo vệ nguồn nước và môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị xanh - sạch - đẹp, đặc biệt trong các dịp lễ, tết, các đợt cao điểm đón khách du lịch. 

Cho đến nay, theo ngành chức năng tỉnh, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã dần thay thế ống hút nhựa bằng loại ống hút có nguồn gốc hữu cơ, dễ phân hủy hoặc có thể dùng nhiều lần; thay thế các chai nước khoáng bằng bình thủy tinh đựng nước lọc; sử dụng túi đựng đồ giặt ủi cho khách bằng vật liệu có thể dùng nhiều lần; một số khách sạn cao cấp đã thực hiện không sử dụng nước uống đóng chai nhựa khi phục vụ các cuộc họp, hội nghị, hội thảo được tổ chức tại đơn vị và chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn hoặc sử dụng bình, ly thủy tinh đựng nước.

Ngành Y tế tỉnh cũng tăng cường sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa; sử dụng túi giấy thay thế túi ni lông khi đựng thuốc cho người bệnh; hạn chế sử dụng vật dụng làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị. Ngành cũng cấp đầy đủ các thùng đựng rác theo đúng quy định, thực hiện việc phân loại rác thải ngay tại nguồn phát sinh; phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong các đơn vị. 

Các huyện, thành phố trong tỉnh đến nay cũng đẩy mạnh truyền thông BVMT, giảm rác thải nhựa trong các cộng đồng dân cư, giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường, tái sử dụng nhiều lần đến với người dân, các tiểu thương, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ; xây dựng mô hình tái chế, tái sử dụng; vận động kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni lông dùng một lần; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế, xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường.

Riêng ngành TNMT tỉnh hằng năm tổ chức nhiều hoạt động BVMT như ngày hội môi trường, tập huấn, ra quân truyền thông; ngày đổi chất thải lấy quà tặng; phát huy các mô hình tận thu các phế phẩm nông nghiệp sản xuất phân hữu cơ, phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức các cuộc thi về giảm rác thải nhựa trong tỉnh. 

• TIẾP TỤC VẬN ĐỘNG

Theo đánh giá, vẫn còn không ít những hạn chế, khó khăn trong “cuộc chiến” giảm thiểu rác thải nhựa hiện nay trên địa bàn Lâm Đồng.

Việc phân loại rác thải sinh hoạt hiện nay vẫn chưa được triển khai rộng tại nhiều địa phương; trong thu gom xử lý, rác thải nhựa vẫn còn lẫn lộn với rác thải sinh hoạt. Các địa phương chưa bố trí đủ kinh phí cho công tác tập huấn vận động, hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt; chưa có đủ thùng chứa, bể chứa trong thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa đặc biệt là bao bì hóa chất bảo vệ thực vật đã qua sử dụng... 

Theo Chi cục BVMT Lâm Đồng, trong thời gian đến, ngành TNMT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Công thương và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng để triển khai các hoạt động truyền thông tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch…, hướng đến mục tiêu không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sinh học.

Ngành cũng tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh và Tỉnh Đoàn đẩy mạnh các chương trình, hoạt động phân loại rác thải học đường, nhân rộng Mô hình “Ngôi nhà xanh” trường học nhằm mục tiêu thu gom và tái chế sản phẩm nhựa. Ngành cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động truyền thông trong đó có sự phối hợp với các cơ quan truyền thông tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác vận động, lan tỏa kết quả thực hiện các hoạt động giảm rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.