Thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế và Hội Nông dân Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2015-2020, các đơn vị trong ngành Y tế Lâm Đồng đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Cấp phát mùng cho người dân xã Gia Bắc (Di Linh) phòng, chống bệnh sốt rét |
Từ năm 2015 đến năm 2024, thực hiện chương trình Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tập trung tuyên truyền trong Nhân dân thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT giai đoạn 2012-2020; tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT; tuyên truyền thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện đến các cấp Hội và hội viên, nông dân. Vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia BHYT theo hộ gia đình để thực hiện lộ trình tiến tới thực hiện BHYT toàn dân.
Trong công tác tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh luôn được Sở Y tế tập trung chỉ đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thành phố thực hiện. Chú trọng truyền thông trực tiếp tại khu dân cư, hộ gia đình và các câu lạc bộ (CLB) về DS-KHHGĐ như: CLB tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; CLB nam nông dân không sinh con thứ ba trở lên; CLB tư vấn tiền hôn nhân; CLB tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; CLB phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình... Tổ chức chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các mô hình đưa chính sách dân số vào hương ước thôn tại xã N’Thôn Hạ và xã Ninh Loan; mô hình xã hạn chế người sinh con thứ 3 trở lên tại xã Tân Hội và xã Tân Thành được duy trì hoạt động tại các thôn, hàng tháng, hàng quý, Hội Nông dân phối hợp với trạm y tế, các ban, ngành, đoàn thể, thôn bản vận động người dân sinh đủ 2 con, hạn chế sinh con thứ 3 trở lên; tuyên truyền các chính sách dân số và các chương trình nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng giống nòi.
Trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em hàng năm đều được các đơn vị y tế tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến hội viên, nông dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; hạn chế tai biến sản khoa; giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh; nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời; sinh con tại các cơ sở y tế; phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình.
Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, thực hành, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và kỹ năng truyền thông về an toàn thực phẩm (ATTP) cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2020- 2024, Chi cục ATTP tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức 20 lớp tập huấn với 2.347 học viên. Cấp phát các tài liệu truyền thông về ATTP cho hội viên hội nông dân với 14.082 tờ rơi và 2.350 poster. Mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; đấu tranh, ngăn chặn việc sản xuất nông sản thực phẩm không an toàn, sớm xóa bỏ hiện tượng sản xuất để ăn phân biệt với để bán như “rau hai luống, lợn hai chuồng”. Trung tâm y tế các huyện, thành phố phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức ATTP cho cán bộ, hội viên, nông dân và vận động cộng đồng cùng tham gia triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP; giám sát và tham gia các đoàn giám sát liên ngành về công tác ATTP đối với các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ, lẻ.
Hàng năm các đơn vị y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân; truyền thông về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và vệ sinh sử dụng nước sạch nông thôn. Tăng cường phối hợp giữa Hội Nông dân các cấp và ngành Y tế trong công tác đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tổ chức các hoạt động giúp cho người dân ở cộng đồng hiểu về nước sạch, xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống gắn với phát triển bền vững.
Các đơn vị trong ngành Y tế Lâm Đồng đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Lâm Đồng không phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A (H5N1), (H7N9) và bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, không phát hiện ca bệnh lạ, bệnh dịch mới nổi; tình hình dịch bệnh lưu hành tại địa phương ổn định, khống chế không để tử vong do bệnh dịch. Các mô hình hiệu quả như Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng phối hợp với Hội Nông dân huyện Đức Trọng xây dựng mới và nhân rộng các mô hình Chi hội “Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao; tư vấn và hỗ trợ người mắc lao điều trị theo DOTS”. Thành lập đơn vị quản lý phòng chống bệnh lao với hình thức CLB “Hơi thở xanh” tại 15 xã, thị trấn thuộc huyện Đức Trọng. Ban chủ nhiệm CLB có các thành viên của các Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh… Nội dung sinh hoạt mỗi quý 1 lần, các chủ đề sinh hoạt về bệnh hô hấp bao gồm (hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính -COPD, lao, viêm phổi); tập vật lý trị liệu, tập gậy dưỡng sinh, tập ho hữu hiệu, tập thở chúm môi, thở hoành… Giúp đỡ, hướng dẫn bệnh nhân tránh bụi, lạnh, cai thuốc lá, vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi họng phòng, chống bệnh lao. Đặc biệt, có CLB tổ chức sinh hoạt tại thôn, xóm tạo điều kiện hướng dẫn và giúp đỡ bệnh nhân lao được tốt hơn.
Các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi của nông dân về các bệnh truyền nhiễm (cúm A/H5N1, H1N1, bệnh sởi, bệnh sốt xuất huyết...); tuyên truyền, tập huấn công tác phòng, chống các dịch bệnh; phòng, chống tai nạn thương tích, sơ cấp cứu ban đầu phù hợp với từng đối tượng và đặc thù nghề nghiệp. Tăng cường tuyên truyền chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền đối với nông dân; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng về dự phòng, nâng cao sức khỏe, chú trọng dinh dưỡng, bảo vệ, rèn luyện thể lực; phòng, chống tác hại của thuốc lá; thực hiện đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam".
Ngành Y tế và Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tăng cường các nội dung phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Lồng ghép các nội dung của chương trình phối hợp vào các mô hình truyền thông sẵn có của Hội; phát huy vai trò giám sát của các cấp Hội trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân… Khen thưởng động viên kịp thời, mô hình thực hiện sáng tạo phù hợp theo từng vùng, từng đối tượng cụ thể. Phấn đấu đến năm 2030 có 100% người dân được phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; 98% nông dân được phổ biến kiến thức về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe; 90% người dân được nghe tuyên truyền về các chương trình, đề án chăm sóc sức khỏe toàn dân và nâng cao chất lượng dân số.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin