Bất động sản Lâm Ðồng: Cần một làn gió mới để cất cánh

NGUYỄN NGHĨA 06:19, 12/11/2024

Thị trường bất động sản Lâm Đồng đang trải qua những diễn biến phức tạp, đan xen giữa giai đoạn bùng nổ và những tín hiệu chững lại. Sau giai đoạn tăng trưởng nóng vào năm 2021-2022, thị trường đến nay đã có những điều chỉnh đáng kể dưới tác động của chính sách siết chặt và ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô.

Quang cảnh TP Đà Lạt
Quang cảnh TP Đà Lạt

TỪ SỐT ĐẤT ĐẾN HẠ NHIỆT

Trong giai đoạn 2021-2022, Lâm Đồng chứng kiến cơn sốt đất diễn ra trên diện rộng, đặc biệt tập trung vào phân khúc đất nền. Hoạt động giao dịch sôi động, giá đất tăng phi mã đã khiến nhiều người đổ xô đầu tư vào thị trường này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, tình hình bắt đầu thay đổi khi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, siết chặt quản lý thị trường.

Theo số liệu thống kê, giao dịch bất động sản tại Lâm Đồng đã giảm mạnh trong quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đến quý II/2024, thị trường đang có dấu hiệu phục hồi với mức tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là tại TP Đà Lạt và các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh. Trong đó, đất nền tiếp tục là phân khúc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số giao dịch. Tuy nhiên, so với quý trước, lượng giao dịch đất nền đã giảm nhẹ. Giá đất nền bình quân cũng có xu hướng giảm, đặc biệt tại TP Đà Lạt.

Mặc dù thị trường bất động sản Lâm Đồng có tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong quý II/2024, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không có dự án nhà ở, dự án bất động sản được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư. Thời gian trên, Lâm Đồng cũng không có dự án, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai dẫn đến nguồn cung bất động sản hạn chế, không đa dạng về loại hình sản phẩm.

NHỮNG THÁCH THỨC CÒN TỒN TẠI

Mặc dù thị trường có dấu hiệu hồi phục, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Nguồn cung bất động sản hạn chế, thủ tục hành chính còn phức tạp, cùng với tình trạng phân lô bán nền trái phép vẫn là những vấn đề cần giải quyết. Việc thiếu đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, cùng với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là phương pháp xác định giá đất còn nhiều vướng mắc làm chậm tiến độ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất; tiến độ dự án bị ảnh hưởng dẫn đến các doanh nghiệp bất động sản phải gia hạn tiến độ thực hiện dự án.

Theo thông tin về lượng giao dịch và giá giao dịch các loại hình bất động sản qua công chứng trong quý III/2024 trên địa bàn tỉnh, tổng số giao dịch bất động sản về đất nền, nhà ở riêng lẻ, chung cư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 5.493 giao dịch, giảm 229 giao dịch so với quý trước (giảm 4,3%). Trong đó, phân khúc đất nền chiếm tỷ trọng giao dịch cao nhất với 5.151 giao dịch, tuy nhiên, lượng giao dịch này vẫn giảm 232 giao dịch (tương đương giảm 4,3%) so với quý trước. Tổng giá trị giao dịch của phân khúc đất nền hơn 4.907 tỷ đồng, bình quân mỗi nền đất có giá hơn 950 triệu đồng, thấp hơn so với giá bình quân quý trước gần 150 triệu đồng.

Với loại hình nhà ở riêng lẻ, trong quý III vừa qua, tại Lâm Đồng có 325 căn được giao dịch. Tập trung tại TP Đà Lạt với 164 căn, huyện Đức Trọng 121 căn, TP Bảo Lộc 39 căn…

TP Đà Lạt vẫn là địa phương có sức hút lớn đối với nhà đầu tư. Với vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu mát mẻ và hệ thống tiện ích ngày càng hoàn thiện, Đà Lạt được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản Lâm Đồng phát triển.

Thị trường bất động sản Lâm Đồng đang trải qua giai đoạn chuyển đổi. Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường đã có những điều chỉnh để hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư và đảm bảo quyền lợi của người dân, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch.