Chợ truyền thống Lâm Ðồng: Cần một "cú hích" mạnh

DIỆP QUỲNH 06:30, 09/12/2024

Chợ truyền thống - một nhu cầu tất yếu của cư dân đã và đang hiện diện trong đời sống, tại khắp các huyện, xã của Lâm Đồng. Tuy nhiên, với những thay đổi của thời đại, chợ truyền thống đang chịu những áp lực rất lớn, cần một "cú hích" mạnh để có thể tồn tại và phát triển.

Chợ Bảo Lâm, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm vắng người mua bán
Chợ Bảo Lâm, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm vắng người mua bán

Tính đến tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 82 chợ. Trong đó, xét về hạng có 7 chợ hạng 1, 4 chợ hạng 2 và 71 chợ hạng 3; xét về địa bàn có 31 chợ thành thị và 51 chợ nông thôn; xét về tính chất xây dựng có 38 chợ kiên cố, 34 chợ bán kiên cố và 10 chợ tạm; xét về tính chất kinh doanh có 1 chợ đầu mối chuyên doanh nông sản, 6 chợ hạng 1 vừa bán buôn vừa bán lẻ và 75 chợ bán lẻ. Các chợ được phủ khắp trên địa bàn các huyện, thành phố, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua- bán của cư dân.

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong những năm qua, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của chợ nói chung được quan tâm đổi mới, nhiều chợ được xây dựng bằng các nguồn vốn xã hội hóa nên đã khá khang trang, hiện đại, trong đó có khu bán hàng thực phẩm đã cơ bản đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như thuận lợi cho việc mua bán của Nhân dân. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được chú trọng, chất lượng chợ được nâng cao.

Tuy nhiên, các nhà quản lý cũng thừa nhận, mặc dù nhiều chợ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp, song nhìn chung cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, hệ thống cấp thoát nước,... tại các chợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh, mua bán của Nhân dân chưa được đầu tư đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn thiết kế của chợ, một số hạng mục xây dựng không hợp lý, vị trí chợ không phù hợp dẫn đến việc vận hành của chợ gặp không ít khó khăn, số hộ kinh doanh ít, hoạt động không hiệu quả hoặc có chợ không hoạt động. Chợ Tà Nung (Đà Lạt), dù được xây dựng mới nhưng hiện đang bỏ hoang vì không thu hút được tiểu thương cũng như cư dân tới chợ kinh doanh - mua bán, gây lãng phí rất lớn.

Đặc biệt, do sự thay đổi trong thói quen mua bán của người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng trẻ, nhiều chợ truyền thống chịu áp lực rất lớn do thưa vắng người tới mua bán. Chị Lê Thị Toàn, quầy bánh kẹo đặc sản Hùng Toàn, chợ Liên Nghĩa (Đức Trọng), cho biết, chợ được xây dựng cách đây 20 năm, là một chợ rất lớn, thu hút đông đảo cư dân của thị trấn Liên Nghĩa cũng như xung quanh tới mua hàng. Tuy nhiên, hiện tại, lượng khách hàng đến với chợ Liên Nghĩa rất ít, các tiểu thương chịu áp lực rất lớn vì tình trạng ế ẩm. Theo chị, mua bán online hiện tại rất phát triển, khách hàng thường mua thông qua các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội. Vì vậy, tiểu thương tại chợ Liên Nghĩa bị giảm khách hàng đáng kể. Bà Đinh Thị Quỳnh Khuê - Phó Ban Quản lý chợ Liên Nghĩa cũng thừa nhận, chợ có 600 tiểu thương với rất nhiều ngành hàng, phục vụ đa dạng cho cuộc sống của cư dân. Nhưng từ thời điểm dịch xảy ra COVID-19 trở lại đây, xu thế tiêu dùng của cư dân đã chuyển từ đi chợ truyền thống sang mua bán online. Vì vậy, khách hàng đến chợ giảm rõ rệt, gây sức ép rất lớn đến tiểu thương đang kinh doanh tại chợ. Tương tự chợ Liên Nghĩa, chợ Di Linh cũng chỉ phủ được 45% công suất quầy sạp, bà Trương Thị Bảo Yến, quản lý chợ cho biết. Ông Nguyễn Xuân Lục - Trưởng Ban Quản lý chợ Bảo Lâm, cũng thừa nhận, lượng khách hàng đã giảm hẳn khiến tiểu thương khó khăn và Ban Quản lý chợ cũng rất khó trong việc thu phí quản lý. Trong khi đó, Ban Quản lý vẫn phải thường xuyên tu sửa để duy trì hạ tầng, thoát nước, môi trường, phòng, chống cháy nổ…

Bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, để các chợ truyền thống phát huy được hiệu quả, cần tích cực chuyển đổi công tác quản lý chợ, thúc đẩy hoạt động tự chủ của các chợ truyền thống. Nếu hoạt động sáng tạo, chợ sẽ thu hút được khách hàng tới mua bán, sử dụng các dịch vụ tại chợ bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của mua bán trên các nền tảng điện tử. Hiện tại, việc thực hiện công tác chuyển đổi quản lý chợ trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch tại nhiều địa phương. Bà cho biết, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và Xây dựng quy trình chuyển đổi quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.

Đồng thời, Sở Công thương đang có kế hoạch hướng dẫn, hỗ trợ tiểu thương các chợ truyền thống tiếp cận với mua bán trên các nền tảng thương mại điện tử. Sở sẽ hướng dẫn tiểu thương cách lập gian hàng điện tử, kỹ năng livestream bán hàng song song với việc bán hàng truyền thống. Đây cũng là hướng mở, "cú hích" để các chợ truyền thống tiếp tục phát huy được thế mạnh sẵn có, đồng thời tiếp cận được xu thế mua- bán của thời đại 4.0.