Những rủi ro mà người hành nghề tài chính - ngân hàng - kế toán có thể gặp phải đó là pháp luật, con người, chứng từ, công việc, cám dỗ...
Luật sư Trịnh Đức Duy (giữa) cùng giáo viên và sinh viên Khoa Tài chính - Kế toán |
Tại bàn tròn trao đổi “Nghề tài chính - ngân hàng - kế toán và những rủi ro pháp lý” do TROY - dự án cộng đồng của một nhóm các bạn trẻ gặp nhau tại Trường học Phát triển Việt Nam 2022, phối hợp cùng Khoa Tài chính - Kế toán Trường Đại học Đà Lạt tổ chức, luật sư Trịnh Đức Duy - Giám đốc điều hành Công ty Luật VietSun, Phó Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, đã chia sẻ như vậy! Theo luật sư Duy, người làm ngành tài chính - ngân hàng - kế toán tiếp cận rất nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật, nhiều giao dịch chồng chéo, đặc biệt phức tạp. Chưa kể, nhiều văn bản quy phạm pháp luật thỉnh thoảng lại thay đổi, cùng những quy định nội bộ. “Phải cập nhật thường xuyên những quy định mới của pháp luật, kể cả những chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nếu không kịp thời cập nhật, người làm ngành tài chính - ngân hàng - kế toán sẽ gặp những rủi ro pháp lý”, luật sư Duy nói.
Rủi ro pháp lý còn đến từ sự hấp dẫn của mức lương. “Một người làm ngành tài chính - ngân hàng - kế toán ở TP Hồ Chí Minh có mức lương rất hấp dẫn, từ 50 triệu đồng/tháng đến 150 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, con người - khách hàng cũng là một yếu tố dẫn đến rủi ro (vì cả nể hoặc vì thân quen hoặc vì một lý do nào đó với khách hàng mà người làm ngành tài chính - ngân hàng - kế toán làm trái quy định của pháp luật)”, luật sư Duy cho biết. Theo luật sư Duy, đã làm ngành tài chính - ngân hàng - kế toán thì phải nói chuyện bằng giấy trắng mực đen, căn cứ trên hồ sơ chứng từ để giải quyết công việc. Đấy là cách để tránh gặp phải những rủi ro pháp lý. Trong công việc hàng ngày, người làm ngành tài chính - ngân hàng - kế toán còn chịu những áp lực từ sự cạnh tranh, bận rộn công việc gia đình, nhàm chán... cũng là những nguyên nhân có thể đưa đến những rủi ro pháp lý. “Kiến thức, thái độ, kinh nghiệm, kỹ năng, trung thực, tỉ mỉ là những yêu cầu cần có ở người làm ngành tài chính - ngân hàng - kế toán”, luật sư Duy chỉ rõ cách để ngừa rủi ro pháp lý đối với một người làm ngành tài chính - ngân hàng - kế toán. Bên cạnh đó, luật sư Duy cũng đưa ra một số tội phạm liên quan đến lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán để sinh viên khoa Tài chính - Kế toán Trường Đại học Đà Lạt tham khảo. “Đó gọi là vùng tử địa của ngành, sinh viên Khoa Tài chính - Kế toán phải nhớ!”, luật sư Duy nhấn mạnh. Ông Trần Thống - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt - cho rằng, việc sinh viên được trang bị những kiến thức thực tế tại chia sẻ bàn tròn này là cực kỳ hữu ích. Sinh viên sẽ hiểu thêm các xu thế, xu hướng, những thay đổi của nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay, từ đó nắm bắt, hòa nhập và có thể làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp. Theo luật sư Duy, thay vì đợi đến khi tốt nghiệp mới đi làm, sinh viên Khoa Tài chính - Kế toán cần bắt tay ngay vào công việc. “Có thể xin vào làm không công ở một doanh nghiệp nào đấy. Tiền không có nhưng cái có lớn hơn đó là chất xám và kinh nghiệm”, luật sư Duy gợi mở.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin