Sáp nhập gắn với cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

QUANG VINH 06:31, 18/12/2024

Tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức lễ công bố thành lập huyện Đạ Huoai mới trên cơ sở sáp nhập 3 huyện phía Nam, gồm: Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Sau khi sáp nhập, huyện Đạ Huoai có 23 đơn vị hành chính cấp xã gồm 18 xã và 5 thị trấn, diện tích tự nhiên 1.448,48 km2, dân số khoảng 146.000 người.

Sáp nhập là yêu cầu tất yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển, được cán bộ và Nhân dân đồng tình, ủng hộ nhưng bên cạnh những thuận lợi, việc sáp nhập cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với bộ máy lãnh đạo, chính quyền và người dân tại đơn vị hành chính mới. Với diện tích tự nhiên tương đương với tỉnh Ninh Bình thì việc đến “cửa công” huyện thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) đối với nhiều người trở nên không dễ dàng. Từ 3 trung tâm hành chính của 3 huyện khi nhập thành 1 trung tâm khiến khối lượng công việc và số lượng người dân đến thực hiện thủ tục tại Bộ phận Một cửa tăng lên, gây nguy cơ quá tải đối với hệ thống vận hành và người dân cũng sẽ phải chờ đợi lâu hơn khi thực hiện các TTHC. Nếu như trước đây, một người dân thuộc các xã Phước Cát, Đồng Nai Thượng (thuộc huyện Cát Tiên cũ) ra trung tâm huyện thực hiện TTHC phải di chuyển trên quãng đường khoảng 40 km thì khi thành lập huyện mới, quãng đường di chuyển tăng lên gần gấp đôi. Ngay cả khi công việc diễn ra suôn sẻ, người dân cũng tốn nhiều thời gian, công sức hơn.

Sáp nhập, tinh giản bộ máy là cần thiết nhưng phải gắn liền với cải cách TTHC. Nếu sáp nhập mà không gắn liền với cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thì chỉ mới giải quyết được một vế của vấn đề đó là giảm sự cồng kềnh của bộ máy, tiết kiệm kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và ngân sách nuôi bộ máy, bớt được số cán bộ dôi dư, làm việc kém hiệu quả. Trong khi đó, mục tiêu không kém phần quan trọng của sáp nhập, tinh giản bộ máy là nâng cao hiệu quả hoạt động của nền hành chính công, tạo sự thông thoáng, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, khắc phục tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Do đó, cần tăng cường chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ sở, nhất là cấp xã, phường, thị trấn trong giải quyết các TTHC cho người dân, đặc biệt cần cắt giảm những TTHC rườm rà, không cần thiết sau khi sáp nhập.

Ngày 11/12, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 131/CĐ-TTg về việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm phiền hà và chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tại công điện, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách và TTHC tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Rà soát, loại bỏ ngay những TTHC đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Khẩn trương xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC... Chỉ đạo này được xem là kịp thời trong bối cảnh các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh công tác sáp nhập, tạo sự đồng bộ giữa bộ máy và thể chế, khơi nguồn động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.