Thi công đường cần đảm bảo an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân

NGUYỄN NGHĨA 01:33, 17/12/2024

Những ngày qua, nhiều tuyến đường đông đúc người dân và du khách qua lại của Đà Lạt như: Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bùi Thị Xuân, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong... trở thành tâm điểm chú ý của người dân. Việc đào bới, rào chắn diễn ra thường xuyên, gây cản trở giao thông và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Thay vì háo hức chờ đợi những con đường mới, người dân lại phải sống chung với bụi bặm, đường sá gồ ghề, sình lầy, nhất là vào những ngày mưa.

Việc thi công đường cần hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân
Việc thi công đường cần hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân

Anh Nguyễn Văn Bôn, một người dân buôn bán và sống trên đường Bùi Thị Xuân chia sẻ: “Việc nhường đất, nhường đường cho dự án, ai cũng sẵn sàng. Nhưng việc thi công kéo dài, đổ đất đá công trình lộn xộn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, gây cản trở đi lại khiến chúng tôi rất khó chịu”.

Không chỉ gây cản trở giao thông, việc thi công còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Một số tuyến đường các hố ga hở, dây cáp lỏng lẻo, vật liệu xây dựng đổ đống... luôn là mối đe dọa đến sự an toàn của người dân, đặc biệt là trẻ em.

Ông Phạm Anh Dũng, một người dân khác, lo lắng: “Những ngày mưa, đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ngập ngụa nước bùn và sình lầy. Chẳng may trẻ em đi ngang không cẩn thận té xuống hố thì nguy hiểm vô cùng. Rất mong các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình thi công. Đồng thời, cần có những hình thức xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm”.

Việc thi công chậm trễ và để đổ vật liệu xây dựng, đất bừa bãi không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các hộ dân ven đường. Nhiều cửa hàng, nhà hàng giảm lượng khách hàng đáng kể do lối vào bị hư hỏng, bụi bặm, sình lầy. Việc đào xới để thi công hệ thống cấp thoát nước, mở rộng các tuyến đường đã gây không ít phiền toái cho hàng trăm hộ dân.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Một trong những nguyên nhân chính là ý thức trách nhiệm của các đơn vị thi công còn hạn chế. Bên cạnh đó là công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng cũng còn chưa chặt chẽ. Đặc biệt, ở một số công trình, dù là ngay khu vực trung tâm đông đúc nhưng đơn vị thi công cố ý phớt lờ những quy định cử người hướng dẫn, điều tiết giao thông. Ban đêm cũng không có đèn báo hiệu gây ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông và cuộc sống của người dân.

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông là cần thiết, tuy nhiên việc thi công phải đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chỉ có như vậy, các công trình mới thực sự mang lại lợi ích cho cộng đồng.