Ban hành nghị quyết chuyên đề và hiện thực hóa bằng giải pháp, cách làm cụ thể là nền tảng cho những kết quả đáng ghi nhận trong quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản ở huyện Lạc Dương.
![]() |
Những năm qua, huyện Lạc Dương vẫn duy trì, giữ vững độ che phủ rừng trên địa bàn đạt 85% |
Huyện Lạc Dương có tổng diện tích tự nhiên là 131.393,75 ha; trong đó, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 114.202 ha. Từ năm 2020 trở về trước, tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất, hủy hoại rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản trái pháp luật… trên địa bàn huyện Lạc Dương diễn biến phức tạp khó khăn trong xử lý, ngăn chặn. Trong khi đó, vai trò, trách nhiệm của một số cá nhân, địa phương, đơn vị đối với các vấn đề trên chưa được thực hiện đúng.
Trước những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, đầu năm 2021, Huyện ủy Lạc Dương ban hành Nghị quyết số 03 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Lạc Dương đã triển khai, phổ biến, quán triệt đến cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, trên cơ sở Nghị quyết này, cấp ủy địa phương, các đơn vị chủ rừng đã cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình ở mỗi đơn vị, địa phương.
Nổi bật như chính quyền các xã thuộc huyện Lạc Dương đã có giải pháp kiểm soát và xử lý ngay từ đầu đối với tình trạng di dân tự do, xâm canh từ đó hạn chế tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất đai, khai thác khoáng sản trái phép. Đơn cử như đối với trường hợp 33 hộ dân thôn Cổng Trời, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà đang lấn chiếm đất, dựng chòi sinh sống trái phép tại Tiểu khu 111A - xã Lát, các cơ quan chuyên ngành lâm nghiệp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và UBND xã Lát thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, vận động do vậy các hộ dân chỉ đi làm vườn thuê cho các hộ khác tại quanh vùng để kiếm sống và không thực hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Năm 2024, nhận được thông tin 31 người dân Thôn 4, xã Đạ Long, huyện Đam Rông tiếp tục quay về Tiểu khu 26, 27 (xã Đưng K’nớ), các ngành chức năng huyện Lạc Dương đã phối hợp với huyện Đam Rông tổ chức tuyên truyền, vận động và đưa các hộ dân này về lại nơi cư trú hợp pháp và không tạo điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Đồng thời các xã cũng đã tiến hành cắm mốc ranh giới giữa đất đang sản xuất nông nghiệp với rừng và đất rừng. Tiến hành vận động các hộ dân có đất sản xuất trong rừng và ven rừng ký cam kết bảo vệ rừng, không chặt phá rừng, không lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.
Các đơn vị đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng thay thế, trồng cây phân tán làm tăng độ che phủ và chất lượng của rừng.
Từ Nghị quyết 03 các cấp ủy, tổ chức Đảng quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản nói chung, nhất là việc san ủi và cải tạo đất. Những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động sẽ bị xử lý nghiêm.
Thực tiễn từ năm 2021 đến nay, việc thực hiện Nghị quyết 03 đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Theo thống kê, trong những năm qua, địa phương vẫn duy trì, giữ vững độ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 85%. Số vụ vi phạm giảm 198 vụ, giảm 56% (giai đoạn 2016 - 2020 có 355 vụ vi phạm; giai đoạn 2021 - 2025 có 157 vụ vi phạm); diện tích rừng bị tác động giảm 8,98 ha, giảm 49% (giai đoạn 2016 - 2020 có 20,24 ha bị tác động do vi phạm; giai đoạn 2021 - 2025 có 11,26 ha bị tác động do vi phạm). Trong giai đoạn này đã có trên 554 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép được giải tỏa; trồng rừng sau giải tỏa, đất lâm nghiệp trống là 232,19 ha. Tổng số cây phân tán đã trồng trên địa bàn huyện từ năm 2021- 2024 là 3.074.550 cây, hàng năm đều đạt trên 100% kế hoạch đề ra. Kết quả nghiệm thu các năm thì tỷ lệ cây sống đạt yêu cầu so với quy trình kỹ thuật.
Đối với vấn đề khai thác khoáng sản trái phép, thống kê của UBND huyện Lạc Dương cho thấy trong giai đoạn từ năm 2021 đến cuối năm 2024, các ngành chức năng của địa phương đã tổ chức 46 đợt giải toả các điểm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn toàn huyện; tiêu hủy tại chỗ 68 chòi lán bạt và nhiều máy móc, thiết bị của các đối tượng dùng để khai thác khoáng sản trái pháp luật, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản; không để xảy ra điểm nóng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản của huyện Lạc Dương đã thể hiện thực tiễn sinh động về việc nghị quyết đúng tạo ra hướng đi đúng và mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận. Tuy vậy vẫn còn những vấn đề đang đặt ra. Đó là việc nhiều diện tích đã giải tỏa chưa được trồng rừng kịp thời, còn để bị tái lấn chiếm phải giải tỏa nhiều lần; tỷ lệ diện tích đưa vào trồng rừng sau giải tỏa còn thấp so với diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đã giải tỏa được…
Những vấn đề trên đòi hỏi huyện Lạc Dương cần có giải pháp khắc phục phù hợp. Trong đó chú trọng thực hiện hiệu quả hơn nữa việc tuần tra, kiểm tra rừng. Thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế, trồng rừng sau giải tỏa, chăm sóc rừng trồng, bảo vệ diện tích rừng nghèo để rừng phục hồi tự nhiên nhằm giữ vững độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Lâm nghiệp...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin