Sau một thời gian dài nằm liệt giường vì trọng bệnh, gia đình khánh kiệt, ông Trần Hữu Chắt định bán lô đất diện tích 2000 m2 của gia đình tại xã Mê Linh để lấy tiền chữa bệnh, thì vỡ lẽ, lô đất này đã được cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Chanh (Chủ tịch UBND xã Mê Linh).
Tháng 8-2004, sau một thời gian dài nằm liệt giường vì trọng bệnh, gia đình khánh kiệt, ông Trần Hữu Chắt định bán lô đất diện tích 2000 m2 của gia đình tại xã Mê Linh để lấy tiền chữa bệnh, thì vỡ lẽ, lô đất này đã được cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Chanh (Chủ tịch UBND xã Mê Linh).
Từ đó nảy sinh tranh chấp đất giữa gia đình ông Chắt với vợ chồng ông Nguyễn Văn Chanh. Chính quyền địa phương không giải quyết được, vụ việc được khởi kiện ra TAND huyện Lâm Hà.
Ngày 14-9-2005, TAND huyện Lâm Hà đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và bác đơn khiếu nại đòi đất của ông Phạm Ngọc Động (người được ông Chắt ủy quyền). Do quá trình xét xử có quá nhiều vi phạm Bộ luật Tố tụng dân sự, nên bản án sơ thẩm của TAND huyện Lâm Hà bị VKS huyện Lâm Hà kháng nghị, TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, giao TAND huyện Lâm Hà sơ thẩm trở lại vụ án. Nhưng từ năm 2006 đến nay, vụ án bị “chìm xuồng”, không được đưa ra xét xử, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng dân sự và trở thành “kỳ án” ở Lâm Hà.
Việc ông Trần Hữu Chắt sang nhượng đất của bà Phạm Thị Chí vào năm 1992 nhiều người dân địa phương đều biết và đã được ông Lê Chức lúc đó là Phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp Mê Linh xác nhận có tứ cạnh liền kề. Thế nhưng, để hợp thức hóa nguồn đất hợp pháp cho ông Nguyễn Văn Chanh, trong bút lục hồ sơ vụ án, Chánh án TAND huyện Lâm Hà - Phạm Văn Bắc (người thụ lý xét xử vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa Ông Phạm Ngọc Động (được ông Chắt ủy quyền) và vợ chồng ông Nguyễn Văn Chanh - Hoàng Thị Kim Bình) đã dựng lên tình tiết nguồn gốc 2000 m2 đất đã cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Chanh - Hoàng Thị Kim Bình là năm 1991 UBND xã Mê Linh cấp cho ông Nguyễn Xuân Đê và ông Đê bán lại cho vợ chồng ông Chanh.
Thực chất, ông Nguyễn Văn Đê có mặt tại xã Mê Linh năm 1993 và đất xã cấp cho ông Đê ở vị trí khác. Thậm chí bút lục ban đầu của TAND huyện Lâm Hà còn nói: nguồn gốc lô đất tranh chấp là của ông Nguyễn Mạnh Quyền canh tác năm 1993, sau đó bán lại cho vợ chồng ông Chanh. Bút lục này đã bị luật sư chứng minh sai sự thật, bởi trong thực tế ông Nguyễn Mạnh Quyền đã “mồ yên, mả đẹp” từ năm 1992, nên Chánh án Phạm Văn Bắc đã xóa bút lục này khi đưa vụ án ra xét xử.
Từ những chứng cứ sai sự thật này, cùng với những vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, bản án dân sự sơ thẩm số 113/2005/DSST ngày 7/9/2005 của TAND huyện Lâm Hà đã bị VKSND huyện Lâm Hà kháng nghị và đến ngày 24/4/2006 tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Lâm Đồng đã hủy bỏ toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 113/2005/DSST của TAND huyện Lâm Hà, giao TAND huyện Lâm Hà xét xử sơ thẩm trở lại vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa ông Trần Hữu Chắt với vợ chồng ông Nguyễn Văn Chanh.
Với nhiều lý do khác nhau, TAND huyện Lâm Hà “khất lần, khất lữa” không đưa vụ án ra xét xử. Cuối cùng lại nại lý do, do cơ quan cảnh sát điều tra(CSĐT) Công an tỉnh Lâm Đồng đang điều tra hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân” theo đơn tố cáo của ông Phạm Ngọc Động đối với ông Nguyễn Văn Chanh chưa có kết luận, nên TAND huyện Lâm Hà chưa thể đưa vụ án ra xét xử. Thế nhưng, ngày 22-5-2009, cơ quan CSĐT công an tỉnh có kết luận số 382/CSĐT(PC15) với nội dung: “Ông Nguyễn Văn Chanh có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhưng chưa tới mức để xem xét trách nhiệm hình sự”, vụ án vẫn bị “chìm xuồng” sau hơn 4 năm kể từ khi TAND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu TAND huyện Lâm Hà xét xử sơ thẩm trở lại. Vụ án trở thành “kỳ án” hiếm thấy ở Lâm Đồng.
Giải thích với chúng tôi về sự chậm trễ nói trên, Chánh án TAND huyện Lâm Hà - Phạm Văn Bắc cho rằng: Do TAND huyện Lâm Hà gửi toàn bộ hồ sơ vụ án xin ý kiến của Hội đồng thẩm phán TAND tỉnh từ tháng 11-2009, nhưng đến đầu tháng 8/2010, TAND tỉnh mới có công văn chỉ đạo cần tham khảo UBND huyện Lâm Hà xem xét việc cấp sổ đỏ cho vợ chồng Nguyễn Văn Chanh đúng hay sai pháp luật. TAND huyện cũng đã gửi hồ sơ xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà đã lâu, nhưng chưa được trả lời, nên chưa thể đưa vụ án ra xét xử được.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Dương - Phó Chánh án TAND tỉnh, thừa nhận việc hơn 4 năm không đưa vụ án dân sự sơ thẩm ra xét xử của TAND huyện Lâm Hà là vi phạm nghiêm trọng bộ luật tố tụng dân sự, bởi theo quy định: Thời hạn thụ lý, giải quyết án dân sự không phức tạp chỉ từ 2-4 tháng, án phức tạp từ 4-6 tháng. Việc chậm trễ này trách nhiệm hoàn toàn thuộc TAND huyện Lâm Hà.
Theo chúng tôi, trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật, không cần phải tham khảo ý kiến của UBND huyện Lâm Hà vì căn cứ vào hồ sơ vụ án, kết luận của cơ quan CSĐT và công văn đề nghị xử lý kỷ luật cán bộ của VPTDTW Đảng, TAND huyện Lâm Hà đưa vụ án ra xét xử công nhận QSĐ hợp pháp của ông Trần Hữu Chắt và đề nghị UBND huyện thu hồi sổ đỏ cấp sai cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Chanh là được.
Điều tra: Hoàng Kiến Giang