Lời đề nghị từ một ngôi trường

03:10, 18/10/2010

Với kiến trúc hài hòa chung quanh, nhìn bề ngoài trường Trường Khiếm thính Lâm Đồng ( số 3, Pasteur, TP Đà Lạt ) là một cơ sở khá đẹp. Tuy nhiên, nếu vào bên trong mới thấy sự bất cập của nó.

Với kiến trúc hài hòa chung quanh, nhìn bề ngoài trường Trường Khiếm thính Lâm Đồng ( số 3, Pasteur, TP Đà Lạt ) là một cơ sở khá đẹp. Tuy nhiên, nếu vào bên trong mới thấy sự bất cập của nó.

Trường khiếm thính Lâm Đồng
Trường khiếm thính Lâm Đồng. Ảnh st
Từ một ngôi nhà xây dựng cho mục đích gia đình sử dụng, nay lại được sử dụng làm trường học, nên các phòng học hết sức chật chội. Năm học này Trường Khiếm thính Lâm Đồng có 87 học sinh, 35 cán bộ giáo viên công nhân viên, tổng cộng 122 người trong một diện tích chật hẹp, vừa dạy vừa học, vừa làm chỗ nội trú cho 73 học sinh của trường.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoa, Hiệu trưởng nhà trường, tổng diện tích toàn trường hiện nay khoảng 1000 m2 trong đó phần diện tích xây dựng không lớn. Để đáp ứng quy mô phát triển,  những năm qua nhà trường phải cơi nới dần thêm phía sau làm phòng ăn cho các em, làm chỗ để xe, làm thêm một số phòng chức năng phục vụ học tập. Khu nội trú cho học sinh ngay trong tòa nhà, trên học dưới ở, chật như nêm, giường cho học sinh đặt bất cứ chỗ nào có thể.  Không có sân chơi, không có những cơ sở, phòng chức năng để các em sinh hoạt, phát triển thể lực, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho học sinh nội trú…

Vì vậy nhiều năm qua, BGH nhà trường đã liên tục đề nghị các cấp chức năng của tỉnh xin được chuyển trường đi một nơi khác, ra vùng ngoại ô chẳng hạn, nơi có một quỹ đất rộng rãi hơn để xây dựng, phát triển các cơ sở vật chất đúng theo yêu cầu của một ngôi trường nội trú. Còn ngôi trường hiện nay nằm ngay khu vực trung tâm có vị trí rất đẹp có thể giao lại cho một đơn vị nào đó sử dụng hiệu quả hơn.

Cũng thêm một lời đề nghị từ ngôi trường này nữa là các ngành chức năng tỉnh cũng nên xem xét lại mức trợ cấp cho học sinh nội trú của nhà trường hiện nay. Cụ thể, theo ông Hoa, từ năm 1995 đến nay ngân sách chỉ cấp hỗ trợ 150 nghìn đồng / tháng/ học sinh, phần còn lại do phụ huynh đóng góp hoặc nhà trường vận động từ các nhà hảo tâm.
 
Tuy nhiên, theo ông Hòa, học sinh khiếm thính của nhà trường nên được coi như một đối tượng tàn tật đặc biệt, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội nên được điều chỉnh theo mức trợ cấp tiền ăn như học sinh ở các trường dân tộc nội trú hiện nay ( khoảng 600 nghìn đồng/ tháng/ học sinh) hoặc như mức trợ cấp cho người tàn tật theo tinh thần Thông tư của Chính phủ từ năm 2007 và chính sự điều chỉnh này thể hiện sự nhân đạo của xã hội chúng ta.

Viết Trọng