Hơn 16 năm về trước, tại cuộc họp “xét cấp đất thổ cư trên địa bàn thị trấn Di Linh” ngày 19/3/1994, do Chủ tịch UBND huyện Di Linh chủ trì...
Hơn 16 năm về trước, tại cuộc họp “xét cấp đất thổ cư trên địa bàn thị trấn Di Linh” ngày 19/3/1994, do Chủ tịch UBND huyện Di Linh chủ trì, ông Bùi Văn Tấn (hiện ở khu phố 10, thị trấn Di Linh) là một trong số những người được xét cấp (có thu tiền) 1 thửa đất tại khu vực qui hoạch khu dân cư phía sau Bệnh viện huyện Di Linh (thửa 294 tờ bản đồ số 17, diện tích 112 m2).
|
Ảnh minh họa. |
Thửa đất 294 liền kề với thửa 66, tờ bản đồ số 17, diện tích 98 m2 . Thửa 66 đã được cấp cho ông Trần Văn Tựa (ở khu phố 5, thị trấn Di Linh), nhưng thửa 294 vẫn chưa được cấp cho ông Tấn. Đến ngày 5/10/2009, UBND huyện Di Linh đã ra Quyết định số 2784/QĐ-UBND giao thửa 294 cho một người khác là ông Trần Văn Tựa. Ông Tấn oan ức làm đơn khiếu kiện!
Theo nội dung đơn khiếu kiện, vào năm 1990, chị ruột ông Bùi Văn Tấn là bà Bùi Thị Nga nhận khoán 2.500 m2 đất trồng trà của HTX nông nghiệp Đông Di Linh. Năm 1993, diện tích trà nói trên nằm trong diện tích đất qui hoạch và UBND huyện Di Linh có chủ trương thanh lý, thu hồi để xây dựng bệnh viện, trường học và khu dân cư.
Trong cuộc họp ngày 19/3/1994 của UBND huyện Di Linh (có cả lãnh đạo Huyêïn uỷ, HĐND huyện, Chủ tịch UBND thị trấn Di Linh và các ngành của huyện) để xét cấp đất thổ cư (có thu tiền), ông Bùi Văn Tấn và ông Trần Văn Tựa là 2 trong số những người được xét cấp tại khu dân cư phía sau Bệnh viện Di Linh. Tại mục III của biên bản cuộc họp ghi rõ: “Việc giao đất chỉ tiến hành khi các đối tượng được nhận đất phải nộp ít nhất ½ số tiền phải nộp. Số tiền còn lại, sau 1 – 3 tháng là phải thu hết. Chỉ giao quyết định khi đã nộp đủ tiền”.
Lẽ ra, ông Bùi Văn Tấn đã được UBND huyện Di Linh ra quyết định giao thửa đất 294 (tờ bản đồ 17), nhưng vì lý do: “Từ năm 1994 đến nay, gia đình ông Tấn không thực hiện nghĩa vụ tài chính”, nên “không có cơ sở để xem xét giải quyết!” (Theo Quyết định số 1167/QĐ – UBND ngày 31/5/2010 của UBND huyện Di Linh về việc giải quyết khiếu nại của ông Bùi Văn Tấn).
Tuy nhiên, qua thực tế điều tra, tìm hiểu và xác minh sự việc, chúng tôi được biết: Năm 2007, ông Bùi Văn Tấn đã làm hồ sơ nộp về Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Di Linh để xin cấp đất thổ cư và xin thực hiêïn nghĩa vụ tài chính thửa đất số 294, nhưng, hồ sơ đó đã bị thất lạc.
Việc thất lạc hồ sơ đã được ông Vũ Đình Sơn (nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Di Linh, nay là Bí thư Đảng uỷ thị trấn Di Linh) ký xác nhận, là: “Trước đây tôi có nhận và xem hồ sơ xin cấp đất của ông Bùi Văn Tấn. Trong hồ sơ có 1 biên lai thu tiền hoá giá vườn cây của HTX nông nghiệp Đông Di Linh, nay đã bị thất lạc. Với trách nhiệm cá nhân, tôi xin xác nhận để ông Tấn liên hệ với cơ quan chức năng xem xét giải quyết”.
Theo đơn khiếu nại ông Bùi Văn Tấn: “Trong lúc đang chờ giải quyết, không hiểu vì sao UBND huyện Di Linh lại ra quyết định giao thửa 294 cho ông Tựa? Trongkhi thửa 294 trước đây đã được xét cấp cho gia đình tôi. Việc bán thửa 294 cho ông Tựa không qua hình thức đấu gía, không thông báo rộng rãi, trong khi đó gia đình tôi đã xin mua, có đơn nộp từ 2007?”.Như vậy, việc UBND huyện Di Linh đã giao thửa 294 cho ông Tựa không thông qua đấu giá công khai, khiến ông Tấn khiếu nại là có lý do chính đáng!
Từ thực tế sự việc nói trên, chúng tôi thiết nghĩ: Nếu giải quyết một cách “có tình, có lý” thì thửa đất 294 nên được giao (có thu tiền) cho ông Bùi Văn Tấn, vì ông Trần Văn Tựa trước đó đã được UBND huyện giao thửa đất số 66 (cùng tờ bản đồ số 17). Nếu chỉ giải quyết về “lý”, không giao cho ông Bùi Văn Tấn thửa đất số 294 thì cũng không sai, vì ông Tấn không thực hiện đúng theo nội dung đã thông báo tại cuộc họp ngày 19/3/1994 (do chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính).
Còn việc giải quyết giao (thực chất là bán) thửa 294 cho ông Trần Văn Tựa hoặc cho bất kỳ ai là thuộc thẩm quyền quyết định của UBND huyện Di Linh, nhưng phải theo Luật Đất đai là đều phải thông qua bán đấu giá công khai. Ông Tấn, ông Tựa hoặc ai đó muốn mua thửa 294 cũng phải thông qua đấu giá!
BT