Năm nay lũ không về, các cánh đồng miền Tây không ngập nước nên chuột đồng đào hang theo ruộng vườn sinh sôi nhanh chóng. Cá không về theo lũ mất nguồn lợi không nhỏ, vậy là bà con chuyển sang... bẫy chuột.
Chuột bị bẫy sau đó được các mối lái gom về cung ứng cho các vựa chuột. Các chủ vựa phân loại chuột lớn chuột nhỏ rồi chuyển tới các nhà hàng, quán nhậu ở TP.HCM, TP Cần Thơ, còn chuột chết bán cho các hộ nuôi trăn với giá khá rẻ.
Xóm Chuột quá quen với tiếng chuột kêu chí chóe. Ngày nào cũng thấy các ồng nhốt chuột xếp dài dài theo con đường quê trong xóm. |
Tại đây, từ em bé 8 tuổi cho đến người già dù nam hay nữ đều rất điệu nghệ trong việc "hóa kiếp" chuột. Hằng ngày xe tải, xe gắn máy ra vào tấp nập thu mua chuột trên con đường quê này.
Ước tính mỗi ngày xóm Chuột vừa tiêu thụ vừa cung ứng cho thị trường 5-7 tấn chuột. 1 kg chuột hiện có giá 33.000-48.000 đồng tùy chuột lớn hay nhỏ. Một lao động làm thịt chuột kiếm được 60.000-120.000 đồng/ngày.
Năm nay dịch heo xanh bùng phát, thịt chuột được người tiêu dùng quan tâm nên xóm Chuột lúc nào cũng nghe tiếng chuột chí chóe, tiếng dao thớt khua lách cách. Anh Duy Khánh - chủ vựa chuột lớn nhất xóm Chuột, cho biết chợ Chuột mở quanh năm, chỉ nghỉ ba ngày Tết cổ truyền.
Theo kinh nghiệm của anh Khánh, mùa lũ lớn thịt chuột không ngon vì lúc này đồng ruộng ngập nước nên chuột chui rúc lên cây cao trốn, không tìm được thức ăn nên chúng còm nhom. Còn năm nào lũ thấp các cánh đồng không ngập nước chuột có cái ăn, đào hang trú ẩn nên béo ú, thịt ngon.
Ngày nào anh Lê Văn Kiên cũng chở chuột giao cho xóm Chuột. Một ngày chở chuột đi giao anh kiếm lời 100.000 đồng. Công việc ổn định nên anh bỏ luôn nghề xe ôm. |
Phụ nữ và trẻ em có thu nhập ổn định từ nghề làm thịt chuột. Họ nói vui: hôm nào còn tanh rình mùi chuột là có tiền, còn thơm tho dài dài là… đói. |