“Nhếch nhác” chợ Bảo Lâm?

05:11, 10/11/2010

Thời gian hoạt động chưa được bao lâu, do quản lý thiếu chặt chẽ, chợ Bảo Lâm đã phát sinh những… “nhếch nhác”! 

 

Chợ trung tâm huyện Bảo Lâm được xây dựng từ năm 2005 với nguồn vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Trong đó, phần đầu tư xây dựng hạ tầng do ngân sách Nhà nước cấp 2,2 tỷ đồng và phần xây lắp hơn 4,8 tỷ đồng do Công ty TNHH Liên Phước (Bảo Lộc) đầu tư xây dựng theo hình thức BOT. Thời gian hoạt động chưa được bao lâu, do quản lý thiếu chặt chẽ, chợ Bảo Lâm đã phát sinh những… “nhếch nhác”! 
 
“Chợ  Bảo Lâm không chỉ cơi nới, xây dựng một cách tùy tiện…”.
“Chợ Bảo Lâm không chỉ cơi nới, xây dựng một cách tùy tiện…”.
Chợ Bảo Lâm được xây dựng ở một vị trí trung tâm, thuận tiện, trên khuôn viên rộng gần 1 ha, diện tích xây dựng 3.271 m2, gồm 2 khu chợ lồng (A và B) với trên 400 quầy, sạp bán hàng. Khi chợ hoàn thành và đưa vào hoạt động đã làm thay đổi diện mạo thị trấn Lộc Thắng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bất cứ ai ghé qua chợ Bảo Lâm cũng không khỏi phàn nàn, vì không gian chợ bị “phá vỡ” bởi rất nhiều lều, quán mới dựng thêm và hiện tượng che chắn, cơi nới trái phép không theo qui hoạch, thiết kế của chợ, đã làm mất đi mỹ quan của chợ. Tại chợ Bảo Lâm hiện có khoảng 40 lều, quán được dựng lên một cách rất tạm bợ (bằng tôn, bạt) xung quanh khuôn viên chợ, không theo thiết kế ban đầu. Nhiều tấm bạt của các tiểu thương tự ý che chắn, cơi nới để tranh giành bán hàng, làm che khuất tấm nhìn. Số còn mới, số đã bị rách nát, tạo nên một không gian kinh doanh bầy hầy, luộm thuộm!
 
Nhà để xe không được sử dụng đúng mục đích mà đã cho tiểu thương thuê bán trái cây, hoa quả. Xe máy, xe đạp để ngổn ngang, đi lại lộn xộn. Không ít tiểu thương tự tiện tranh giành bán hàng trên các lối đi, gây khó khăn cho người tiêu dùng khi ra - vào chợ. Khu vực bán gia súc, gia cầm và hàng hóa “tự sản, tự tiêu” dơ bẩn, mất vệ sinh. Một số tiểu thương chưa có ý thức bảo vệ môi trường, đổ rác thải bừa bãi gây ô nhiễm. Đó là chưa đề cập đến một số tiểu thương chưa chấp hành tốt pháp luật thương mại, như kinh doanh không có giấy phép; kinh doanh rượu, bia, thuốc lá và những ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không có đủ các giấy phép; bán hàng không có bảng niêm yết giá,v.v…
Chị NTH (bán vải, áo quần, giày dép…) rất bất bình khi tâm sự với chúng tôi: “Không riêng gì tôi! Đấy các anh xem, tôi và bao nhiêu chị ở đây đã bỏ tiền mua quầy trong chợ lồng, nhưng ế quá, hàng bán không được, vì người mua họ ngại vào bên trong. Nhiều chị phải đóng cửa và đã thuê đất, dựng quầy ra bên ngoài để bán!”. 
 
“Tình trạng nói trên phát sinh từ năm 2008. Phòng Công thương huyện cùng với các ngành của huyện và UBND thị trấn Lộc Thắng đã nhiều lần phối hợp kiểm tra, lập biên bản và đôn đốc, nhắc nhở. Phòng Công thương huyện cũng đã có văn bản yêu cầu. UBND thị trấn Lộc Thắng đã có Quyết định đình chỉ việc thi công, vi phạm trạât tự xây dựng đô thị tại chợ Bảo Lâm… Nhưng đến bây giờ, Công ty TNHH Liên Phước và Ban Quản lý chợ Bảo Lâm vẫn không chấp hành sự quản lý của địa phương!” - Anh Trần Quốc Tuấn - Trưởng Phòng Công thương huyện Bảo Lâm, đã nóng lòng phân trần với chúng tôi như thế.
 
Ngược lại, về phía chủ đầu tư (xây dựng, kinh doanh, khai thác, chuyển giao BOT) là Công ty TNHH Thiên Phước, cho rằng: “UBND huyện Bảo Lâm đã giao quyền tự chủ về kinh doanh, khai thác mặt bằng trên diện tích qui hoạch chợ Bảo Lâm cho Công ty TNHH Liên Phước”. “Công ty TNHH Liên Phước xây dựng không sai phạm. Các lều, quán dựng tạm nằm ngoài thiết kế, nằm trên diện tích của chợ là các hạng mục phát sinh do nhu cầu của tiểu thương không có quầy buôn bán trong chợ lồng, nếu không giải quyết họ sẽ ra ngã ba, ngã tư hoặc lề đường để buôn bán! Ngoài ra, việc làm lều, quán tạm là để giữ đất của chợ, khỏi bị người khác lấn chiếm!”… Và một điều chúng tôi thấy còn bất cập “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, là theo Công ty TNHH Liên Phước: “Các hạng mục phát sinh tại chợ, Công ty đã có văn bản chấp thuận số 364/UBND của UBND huyện Bảo Lâm ngày 1/6/2006”! Mặt khác, trong khi làm việc tại huyện Bảo Lâm, chúng tôi có cảm giác là giữa Công ty TNHH Liên Phước và các ngành ở địa phương đã thiếu sự hợp tác với nhau trong việc quản lý hoạt động tại chợ. Chỉ đơn cử một chi tiết trong báo cáo số 118/BC ngày 25/9/2009 của Công ty TNHH Liên Phước gởi UBND huyện Bảo Lâm, có đoạn ghi: “Rất mong được ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo huyện, để Phòng Công thương bớt đau đầu”(!).
 
Giải quyết mâu thuẫn nói trên là việc của chính quyền địa phương sở tại. Tuy nhiên, chúng tôi thiết nghĩ, chợ trung tâm huyện Bảo Lâm tất yếu là phải cần đến “văn minh thương mại”. Tất cả từ khâu xây dựng đến việc kinh doanh, sắp xếp ngành hàng… đều phải có tổ chức. Hiện tượng dựng lều quán, cơi nới, che chắn quày hàng một cách tùy tiện; việc tranh mua, tranh bán không lành mạnh (cùng một ngành hàng, mặt hàng) giữa tiểu thương bên trong chợ lồng với người phía ngoài chợ lồng… là điều không thể!
 
Xuân Long