Văn Minh không điện

03:11, 28/11/2010

Nằm cách trung tâm thị trấn Đinh Văn chưa đầy 10km, và cạnh thủy điện Đạ Dâng 2, nhưng người dân thôn Văn Minh xã Tân Văn - Lâm Hà vẫn mòn mỏi chờ đợi bao năm mà lưới điện vẫn chưa về tới thôn.

Nằm cách trung tâm thị trấn Đinh Văn chưa đầy 10km, và cạnh thủy điện Đạ Dâng 2, nhưng người dân thôn Văn Minh xã Tân Văn - Lâm Hà vẫn mòn mỏi chờ đợi bao năm mà lưới điện vẫn chưa về tới thôn. Với việc thiếu đi nguồn điện, người dân Văn Minh chưa thật sự “văn minh” và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân.

 

Những đường dây kéo điện tạm, mua điện giá cao của các hộ dân thôn Văn Minh - Tân Văn (Lâm Hà).
Những đường dây kéo điện tạm, mua điện giá cao của các hộ dân
thôn Văn Minh - Tân Văn (Lâm Hà).

Từ thị trấn Đinh Văn - Lâm Hà, chạy xe máy chưa tới 15 phút, chúng tôi đã tới được thôn Văn Minh. Đường vào thôn bằng phẳng dễ đi, mọi sinh hoạt của người dân diện ra bình lặng, không ồn ào và nhộn nhịp như những nơi khác. Có thể nói, người dân nơi đây nhìn chung đã có nhiều phát triển, nhiều ngôi nhà khang trang đã mọc lên, trường học cho con em đã về tận thôn. Đây không phải là một địa bàn vùng sâu vùng xa, nhưng do thiếu điện, nên họ vẫn còn nhiều lạc hậu so với nhiều buôn làng vùng sâu vùng xa khác. Không có điện, nhiều em học sinh của con em người dân nơi đây, ban đêm phải học bài dưới ánh đèn dầu nhợt nhạt và thanh niên thường ra trung tâm xã, hoặc thị trấn để chơi. Còn trong thôn thì im ắng và vắng vẻ vì ti vi, radio, cũng như những hoạt động giải trí khác rất ít ỏi. Có một số hộ gia đình trong thôn tự bỏ tiền ra kéo giây, “mua điện” của những cá nhân các địa phương lân cận, tuy tốn kém rất nhiều nhưng những giờ cao điểm, điện không thể dùng, bóng đèn không sáng, nấu cơm không chín và ti vi cũng không lên. Có những hộ gia đình mua sắm đầy đủ ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, nhưng khi kéo điện từ nơi khác về không đảm bảo, nên không thể sử dụng được đành phải bán lại hoặc trưng bày cho đẹp trong nhà mà thôi. Ông Nguyễn Pháp ở xóm II thôn Văn Minh cho biết: “Gia đình chúng tôi đã bỏ ra hơn 3 triệu đồng để mua giây kéo điện từ Tân Hà về, nhưng điện yếu lắm, vào giờ cao điểm có dùng được đâu. Các thiết bị sử dụng điện mua sắm ra rồi không sử dụng được”. Tuy điện dùng lúc được lúc không, chập chờn, nhưng người dân ở đây phải mua lại điện của những cá nhân ở các địa phương khác với giá cao (2 ngàn đồng 1kw) và thất thoát dọc đường dây rất nhiều. Một điều đáng quan tâm nữa là, do chưa có điện lưới qua thôn nên việc các hộ dân tự ý bỏ tiền ra mua giây kéo tạm bợ rất nguy hiểm và tai nạn điện giật có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Về thôn Văn Minh ta sẽ nhìn thấy những giây dợ chằng chịt bám theo các trụ cáp viễn thông, mắc vất vưởng trên các cành cây, chạy loằng ngoằng qua các rẫy cà phê và có những đoạn chạy thấp gần mặt đất. 

Thôn Văn Minh hiện có 250 hộ dân sinh sống và chủ yếu là người Kinh, đồng bào các dân tộc thiểu số chỉ chiếm chưa đầy 30%. Nơi đây địa hình bằng phẳng đất đai màu mỡ, lại được dòng sông Đạ Dâng cung cấp dòng nước tưới dồi dào và đem phù sa bồi lắng những ruộng vườn. Nơi đây thực sự rất nhiều tiềm năng để người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Thế nhưng thiếu đi dòng điện, nên người dân nơi đây vẫn chưa phát huy được những tiềm năng lợi thế thiên nhiên ưu đãi để làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Được biết, hiện nay ở xã Tân Văn - Lâm Hà không chỉ có thôn Văn Minh mà cả thôn Hà Tân cũng chưa có điện. Đây thực sự là một trở ngại lớn đối với việc thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới của xã Tân Văn. Ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó chủ tịch UBND xã Tân Văn cho biết: “Xã Tân Văn được chọn để xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới, nhưng với việc 2 thôn trong xã chưa có đường điện chạy qua để phục đời sống sinh hoạt cho người dân là một khó khăn lớn trong việc thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới của chúng tôi. Trước đây, chúng tôi đã được thông báo, tỉnh hỗ trợ 1,7 tỷ đồng để xây dựng lưới điện cho các thô này, những đến nay vẫn chẳng thấy đâu. Xã cũng đã nhiều lần trình bày kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền để đầu tư xây dựng, đưa điện về cho bà con nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi”.

Duy Danh