Về với bà con vùng lũ

09:11, 22/11/2010

Trong những ngày mưa lũ vừa qua, nhiều địa phương các tỉnh Phú Yên, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… chìm trong biển nước.

(LĐ online) - Trong những ngày mưa lũ vừa qua, nhiều địa phương các tỉnh Phú Yên, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… chìm trong biển nước. Lũ rút, người dân nơi đây lại gặp muôn vàn khó khăn. Mang theo cả tấm lòng và những quà nhỏ bé từ miền đất Tây Nguyên, đoàn cứu trợ Ban trị sự, tăng ni, phật tử tỉnh Lâm Đồng có chuyến đi nghĩa tình về với bà con nơi vùng lũ…
 
Đoàn cứu trợ tặng quà cho bà con nhân dân vùng lũ các tỉnh Miền Trung.
Đoàn cứu trợ tặng quà cho bà con nhân dân vùng lũ các tỉnh Miền Trung.

Chỉ trong vòng hơn 10 ngày, từ 29/10 đến 9/11, xã Hoà Xuân Tây, huyện Đông Hòa, tỉnh  Phú Yên phải hứng chịu 2 cơn lũ liên tiếp đổ về, làm ngập lụt cục bộ toàn xã. Trong đó, 4/6 thôn, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Trên 3.000 hộ gia đình bị nước lũ cô lập, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Với 500 phần quà, mỗi phần trị giá 500 ngàn đồng, bao gồm: Gạo, Dầu ăn, Bột ngọt và các đồ dùng nhu yếu phẩm khác, cùng với số tiền mặt 75 triệu đồng, đã được đoàn cứu trợ Ban trị sự, tăng ni, phật tử tỉnh Lâm Đồng trao tận tay bà con nơi đây.

Tại hai xã Tiến Hóa và Mai Hóa, huyện tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, đoàn cứu trợ Ban trị sự, tăng ni, phật tử tỉnh Lâm Đồng tiếp tục trao 500 phần quà và tiền mặt, với tổng trị giá gần 300 triệu đồng. Đây là hai địa phương của huyện Tuyên Hóa mỗi năm đều phải đối mặt với lũ dữ. Trong đợt lũ vừa rồi, người dân nơi đây một lần nữa phải hứng chịu nhiều mất mát. Lũ lụt đã làm hư hỏng toàn bộ các diện tích hoa màu, lương thực giữ trữ, và cuốn trôi nhiều nhà cửa và tài sản của nhân dân.
   
Rời Quảng Bình, đoàn tiếp tục cuộc hành trình chuyển hàng cứu trợ đến với bà con nhân dân vùng lũ tỉnh Hà Tĩnh. Xã Hòa Hải được xem là trung tâm của rốn lũ, là địa phương bị thiệt hại nặng nhất của huyện Hương Khê. Quang cảnh tan hoang. Nhà, cửa tiêu điều, xơ xác. Hơn 1 tháng sau khi lũ rút, cuộc sống của người dân đã từng bước ổn định. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn đang rơi vào cảnh túng quẩn. Thiệt hại do lũ gây ra quá lớn, cuộc sống xưa nay đã nghèo, nay lại càng khó hơn. Vì vậy, để đời sống trở lại nếp xưa, thì chính họ phải đối diện, phải khắc phục trong một thời gian khá dài.
   
Cũng như nhiều địa phương khác, với số tiền mặt và hàng cứu trợ trên 300 triệu đồng của đoàn cứu trợ Ban trị sự, tăng ni, phật tử tỉnh Lâm Đồng mang đến cho người dân vào thời điểm này thật sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, so với con số thiệt hại trên 60 tỷ đồng, mà nhân dân xã nghèo Hòa Hải phải hứng chịu trong hai cơn lũ vừa qua thì không thể gì bù đắp được.

Lũ đã đi qua gần một tháng, nhưng kinh hoàng và dữ dằn của cơn  vẫn là nỗi ám ảnh đối với ông Trần Nguyên xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, ông cho biết: “Lũ năm ni to lắm chú ạ! Nước dâng nhanh, lũ lại đổ về trong đêm, chúng tôi không kịp trở tay. Gần 75 năm sống ở đây, năm ni tui mới thấy lũ lớn như rứa…”
   
Trong những ngày qua, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm kịp thời; sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong tỉnh, và các nhà hảo tâm trên mọi miền của Tổ quốc, nhưng công tác khắc phục sau lũ với người dân nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
 
Thượng tọa Thích Viên Thanh - P. Ban trị sự Phật giáo Tỉnh Lâm Đồng – Trưởng đoàn cứu trợ lần này cho biết: “Nghệ An là điểm dừng chân hành trình cứu trợ các tỉnh Miền Trung của Đoàn. Những gì mà đoàn đã đi qua, đã mang đến, đó là những món quà, những tấm lòng hảo tâm. Thể hiện tinh thần “ tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, truyền thống đùm bọc, yêu thương. Với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng mà chúng tôi mang đến cho con vùng lũ các tỉnh miền Trung lần này chỉ là nguồn động viên ban đầu, bởi thiệt hại do lũ gây ra với bà con và các địa phương quá lớn…”
 
Tạm biệt người dân miền Trung thân yêu, đoàn cứu trợ trở lại Tây Nguyên. Mang theo bao nỗi niềm chia sẽ với đồng bào miền Trung ruột thịt, chúc họ có đủ nghị lực, để gượng dậy, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, nơi cơn lũ đã đi qua.

Mạnh Thành