Cây ươi còn gọi là lười ươi, đười ươi, bàng đại hải, sam rang, an nam tử... có tên khoa học là: Scaphium lychnophorum (Hance) Kost, thuộc họ Trôm (Sterculiaceca).
Trong nước ta cây ươi có nhiều tại các tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng. Tại Lâm Đồng có tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
Ngoài Việt Nam ra cây ươi còn có tại các nước Thái Lan, Campuchia, Malaixia...
Cây ươi cao từ 20-25m, nhánh non có lông hoe. Lá mọc tập trung ở đỉnh cành, lá có phiến từ 3-5 thùy ở thân non, bầu dục ở thân lớn, cuống lá dài từ 10-30cm. Hoa nhỏ, đài có ống dài. Quả nang, mặt ngoài màu đỏ, mặt trong màu bạc. Hạt to hình bầu dục hay thuôn dài màu đỏ nhạt. Mùa hoa từ tháng 1 đến tháng 4, mùa quả từ tháng 6 đến tháng 8.
Bộ phận dùng làm thuốc là hạt, còn gọi là đại hải tử.
Hạt ươi gồm 2 phần: phần vỏ chiếm 65%, phần nhân chiếm 35%. Thành phần hóa học trong nhân có 2,95% chất béo, tinh bột, sterculin và bassorin. Phần đường trong hạt có galartose, fructose, arabinose. Trong vỏ có 1% chất béo, 60% bassorin, chất nhầy và tanin.
Hạt ươi được nhân dân dùng từ lâu đời.
Theo Y học cổ truyền: Hạt ươi có vị ngọt, nhạt, tính hàn, không độc vào kinh phế; có tác dụng: giải nhiệt, giải độc, thanh phế nhiệt, chống viêm, lợi yết hầu, thông tiện, nhuận tràng. Hạt ươi thường dùng làm nước giải khát, chữa các chứng bệnh do nhiệt gây ra, chữa ho khan mất tiếng, sưng đau cổ họng, chảy máu cam, nôn ra máu, giúp thông tiểu tiện, nhuận tràng, các chứng đau ruột và các bệnh tiêu hóa.
Cây ươi là loại cây to cao nên khi thu hoạch người ta phải trèo lên để hái quả hoặc để chờ cho quả chín rụng xuống đất sau đó nhặt để dùng. Quả rụng xuống đất là quả tốt nhất, người ta gọi là "quả bay". Một cây có từ 30 đến 50kg quả tươi. Khi nhặt quả về người ta phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, đem hạt ngâm vào nước nóng hạt sẽ nở to gấp 8 đến 10 lần thể tích của hạt, thành một chất nhầy màu nâu sền sệt như thạch, sau đó cho đường vào để uống.
- Thường chỉ cần 4 đến 5 hạt ươi, ngâm vào 1 lít nước nóng, cho thêm đường đủ ngọt, uống trong ngày để chữa các bệnh trên.
- Để tăng tác dụng nhuận tràng: người ta thường dùng chung với hạt é.
- Dùng chữa nóng nhiệt gây chảy máu cam ở trẻ em: lấy hạt ươi sao vàng trước khi ngâm vào nước.
- Để tăng tác dụng chống viêm: thêm 2 đến 3 lát gừng.
- Chữa ho khan mất tiếng: cho nước lá tía tô, cam thảo (đã sắc riêng) cho hạt ươi ngâm vào, dùng mật ong thay đường để uống.
Cây ươi là cây đặc sản chỉ có từng vùng. Cây có giá trị kinh tế cao, cần được khoanh vùng bảo vệ nhất là chống chặt phá khi thu hoạch. Cây cần được nghiên cứu trồng trọt phát triển để dùng hạt làm thuốc hoặc xuất khẩu.