Cần quan tâm hơn nữa việc giải quyết chế độ cho người tham gia kháng chiến

03:12, 05/12/2010

10 năm thực hiện chính sách người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) đã được Lâm Đồng triển khai khá nghiêm túc, kịp thời, góp phần giải quyết một phần khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng.

10 năm thực hiện chính sách người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) đã được Lâm Đồng triển khai khá nghiêm túc, kịp thời, góp phần giải quyết một phần khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này vẫn còn nhiều bất cập cần được quan tâm, giải quyết.

Số liệu thống kê, đến thời điểm này, toàn tỉnh gần 2.000 đối tượng là người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH được hưởng trợ cấp theo quy định của nhà nước. Quy định này được thực hiện từ năm 2000 theo Quyết định 26/2000/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục được điều chỉnh, cụ thể hóa bằng các văn bản, nghị định của Nhà nước trong đó, đối tượng trực tiếp được thụ hưởng là 1.079 người và đối tượng gián tiếp là 825 người.

Tháng 6/2005, Pháp lệnh Ưu đãi người có công được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, đối tượng hưởng trợ cấp CĐHH được công nhận là đối tượng người có công; từ đó, các quy định và điều kiện lập hồ sơ cũng được chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, Bộ LĐ - TB & XH cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định cụ thể về việc cần thiết phải tiến hành rà soát, lập hồ sơ đối tượng người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH để đảm bảo chi trả đủ và đúng đối tượng. Tuyệt đối thực hiện nghiêm túc đối với những hồ sơ không đủ điều kiện thì ngừng trợ cấp. Góp phần đảm bảo công bằng cho các đối tượng và giữ được niềm tin trong nhân dân.

Trao đổi về vấn đề này, bà Đoàn Thị Ngọc Ẩn - Phó Giám đốc sở LĐ - TB & XH cho biết: Sở LĐ – TB & XH đã tiến hành rà soát, phân loại số hồ sơ đủ điều kiện thì tiếp tục chi trả trợ cấp, những hồ sơ đủ điều kiện, nhưng thiếu một số yêu cầu kèm theo thì cán bộ, chuyên viên có trách nhiệm hướng dẫn đối tượng để bổ sung kịp thời, giúp cho đối tượng sớm được hưởng trợ cấp theo quy định. Riêng với những đối tương không đủ điều kiện thì Sở ra quyết định dừng chi trả trợ cấp. Đến nay, đã tiến hành rà soát 585 hồ sơ thực hiện theo Nghị định 54 của Chính phủ và đã có 488 hồ sơ đủ điều kiện, còn lại 97 hồ sơ không đủ điều kiện hưởng chính sách thì chúng tôi cũng có trách nhiệm giải thích tận tình, cặn kẽ trên cơ sở có tình có lý để họ hiểu ra và có trách nhiệm thực hiện cùng ngành chức năng.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết: Qua gần 3 năm thực hiện Thông tư số 07/2006/TT - BLĐTBXH nổi lên một số điểm hạn chế bất cập và còn sơ hở trong quá trình làm thủ tục lập hồ sơ, hạn chế điều kiện của đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến hưởng chính sách, trợ cấp. Chính vì vậy, Bộ LĐ - TB & XH đã ban hành Thông tư 08/2009 thay thế Thông tư 07/2006; đồng thời, Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định 09/2008/Q Đ – BYT quy định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH - Dioxin. Tại Thông tư 08/2009 được ban hành việc thực hiện chế độ cho người tham gia kháng chiến không hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện có con dị dạng dị tật, nếu đối tượng mắc một trong các bệnh theo Quyết định 09/BYT cũng được giải quyết chế độ trợ cấp.

Trên cơ sở các quy định trên, tại cơ sở khi triển khai thực hiện còn gặp phải vướng mắc, bất cập, đó là: Quyết định 09/BYT ban hành danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH - Dioxin, chỉ quy định đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến, còn con đẻ của họ chỉ xác định tình trạng dị dạng dị tật thực tế. Trong khi đó, số đối tượng gián tiếp mắc các bệnh trong Quyết định 09/BYT, danh mục dị dạng, dị tật chưa được cụ thể, dẫn đến trong thực tế các cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc xác định dị dạng, dị tật của đối tượng gián tiếp, gây khó khăn trong việc xác định đối tượng hưởng trợ cấp. Hiện còn 96/379 hồ sơ gửi về sở LĐ - TB & XH đang chờ Hội đồng giám định y khoa tỉnh giám định, 40 hồ sơ chưa giải quyết được và 101 hồ sơ được trả lại.

Cũng qua tìm hiểu của chúng tôi, theo quy định các cơ quan y tế cấp xã trở lên có trách nhiệm xác nhận tình trạng dị dạng, dị tật của các đối tượng gián tiếp.Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, một số Trung tâm Y tế, trạm y tế đã xác định không đúng sự thật. Ví dụ như: Trong hồ sơ gửi về cơ quan chức năng được xác định đối tượng là thiểu năng trí tuệ, nhưng qua xác minh phát hiện đối tượng vẫn khỏe mạnh, lập gia đình, sinh con bình thường... Bên cạnh đó, theo phát hiện của các cơ quan báo chí, cơ quan Thanh tra, Công an, trên thực tế Lâm Đồng đã có nhiều đối tượng sử dụng giấy tờ tham gia kháng chiến giả, hoặc giấy tờ thật, nhưng người đó không tham gia kháng chiến hoặc hồ sơ giấy tờ thật nhưng việc xác nhận quá trình tham gia kháng chiến không đúng sự thật….những hành vi  trên đã làm ảnh hưởng đến danh dự của hàng ngàn đối tượng đang được hưởng trợ cấp – những người đã không ngại hy sinh, cống hiến một phần xương máu cho Tổ quốc.

Trao đổi về những bất cập trong quá trình giải quyết chế độ cho người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH, bà Đoàn Thị Ngọc An đã thẳng thắn nhìn nhận: Đúng là những tồn tại, bất cập đó là điều chúng tôi đang rất băn khoăn, trăn trở, những khó khăn, vướng mắc ấy hiện đang tiếp tục được kiến nghị cơ quan cấp trên để có hình thức điều chỉnh hợp lý. Để khắc phục, hạn chế bớt những sai sót, tiêu cực trong quá trình giải quyết chính sách, chế độ cho đối tượng người chính sách nói chung và đối tượng người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH/Dioxin, nói riêng Đảng ủy - Ban Giám đốc chúng tôi cũng đã thống nhất trong thời gian đến sẽ tăng cường công tác tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ cấp xã, phường, thị trấn và cấp huyện để phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ - công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhất là trong việc thẩm tra, xác minh và lập hồ sơ đối tượng, làm sao để đảm bảo nhanh, kịp thời nhưng phải chính xác, đúng đối tượng. Riêng đối với đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến, khi xác lập hồ sơ cần thiết phải có hồ sơ, bệnh án, giấy tờ điều trị để chứng minh mắc một trong các bệnh theo Quyết định 009/BYT thì mới giải quyết chế độ theo quy định.   

Nguyệt Thu