Trong tình hình chất lượng đích thực của bộ môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông rất thấp và đáng báo động như hiện nay, có rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc đổi mới phương pháp dạy học... về bộ môn này.
Do đó, trước khi bàn đến tư duy sáng tạo trong việc học tập môn Ngữ văn thì hãy bắt đầu dạy cho học sinh về chính tả, ngữ pháp, văn phạm... Từ đó sẽ dấy lên một cảm hứng yêu thích và đam mê môn học này trong nhà trường phổ thông nói riêng và trong tòan xã hội nói chung.
Đáng buồn thay là hiện nay hầu hết học sinh chữ viết đã xấu lại còn dày đặc các lỗi chính tả, ngữ pháp, dùng từ... chứ chưa nói tới văn phạm (lỗi diễn đạt), thế nhưng lại ít ai để ý (kể cả GV trực tiếp giảng dạy bộ môn này). Bằng chứng là khi chấm bài, GV hầu như còn bỏ qua, không trừ điểm các lỗi trên của HS (ngoại trừ một số thầy cô nghiêm khắc). Từ đó, trong HS tồn tại hệ thức xem thường điều này.
So sánh với thời kỳ trước, các trường học dạy văn phạm cho HS rất kỹ nên lớp người thế hệ ông cha bây giờ viết văn rất chuẩn và rất hiếm khi bị sai lỗi chính tả, ngữ pháp, logic... Vì như chúng ta thấy từ chỗ nếu các em viết đúng ngữ pháp cũng như biết dùng từ chính xác thì sẽ dẫn đến việc diễn đạt logic và đúng ý. Chúng tôi thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi bàn đến những gì to tát trong vấn đề dạy và học Ngữ văn thì trước hết nên bắt buộc HS (kể cả 3 cấp: Tiểu học, THCS và THPT) phải thực sự quan tâm tới chữ viết, lỗi chính tả, ngữ pháp, dùng từ, diễn đạt, câu cú... Vì chữ viết có thể nói là bộ mặt văn hóa của một quốc gia, nết người hiện ra qua nét chữ. Cụ thể là yêu cầu các nhà trường trong cả nước hãy biến phương châm trên thành chương trình, hành động cụ thể, thiết thực. Theo đó, ở tất cả các lớp (từ lớp 1 đến lớp 12) trong SGK nên sắp xếp các bài dạy về chính tả, ngữ pháp, diễn đạt... lên đầu tiên và có kế hoạch kiểm tra, đánh giá, cho điểm một cách nghiêm túc rồi sau đó mới truyền đạt cho các em những tri thức cao hơn. Chúng ta hãy kiên nhẫn như những người đi đãi cát tìm vàng hết thế hệ này sang thế hệ khác thì trong tương lai không xa, HS chúng ta sẽ tiến bộ đồng đều về chất lượng học tập môn Ngữ văn và tình yêu tiếng mẹ đẻ trong trái tim nóng hổi, rạo rực của các em sẽ được thăng hoa và nhân lên gấp bội. Không thể xem nhẹ về chính tả, ngữ pháp... bởi cái sảy trong tri thức, trong khoa học là cực kỳ nguy hiểm, lâu dần nó sẽ nảy cái ung, mà hậu quả thì thật khó lường!
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên tăng cường về số tiết học chính tả, ngữ pháp, hành văn, văn phạm, lỗi logic... trong SGK của các lớp để HS được hấp thụ nhiều hơn và số tiết này nên được sắp xếp lên đầu mỗi cuốn sách.
Nguyễn Huy Ái (Trường THCS Đinh Lạc, Di Linh)