Nỗi đau chồng chất nỗi đau

02:12, 08/12/2010

Đằng sau cảnh khá sầm uất và đang đổi thay từng ngày của một thị tứ được Trung ương chọn xây dựng nông thôn mới thì còn biết bao mảnh đời bất hạnh về thể xác lẫn tâm hồn.

Đằng sau cảnh khá sầm uất và đang đổi thay từng ngày của một thị tứ được Trung ương chọn xây dựng nông thôn mới thì còn biết bao mảnh đời bất hạnh về thể xác lẫn tâm hồn. Bên trong mái nhà ván, lợp bằng tôn tềnh toàng, mưa gió ra vào dễ dàng là nơi cư ngụ của 2 chị em bị bệnh tâm thần là Lộc Thị Hoa và Lộc Viết Đức ở xóm 2 (thôn Tân Phú, xã Tân Hội, Đức Trọng). Điều kiện sống hiện tại của họ có thể nói đã rơi vào tận cùng của sự bế tắc. Sự tàn tạ về thể xác, sự đau khổ về mặt tầm hồn, sự nghèo nàn đã hiện hữu hàng chục năm nay trong căn nhà tơi tả này.

Hai chị em Hoa và Đức không có một nơi để nương tựa. Người anh trai cả là Lộc Viết Tâm đi lấy vợ nhưng do cái nghèo, cái đói nên cũng không đỡ đần được gì cho họ. Hàng tháng, Lộc Thị Hoa và Lộc Viết Đức sống  nhờ vào 180 ngàn đồng và 10 kg gạo trợ cấp của xã hội. Thấy có người vào nhà, Lộc Thị Hoa trừng mắt và vội nhặt những mảnh giấy loang lổ dưới nền nhà lên, khua qua khua lại trước mặt cười khanh khách. Hôm nay tiếp chúng tôi, anh Lộc Viết Đức không lên cơn bệnh. Kể về những quãng đời đau khổ mà chị em họ phải gánh chịu khiến anh Đức rơm rớm nước mắt. Bản thân anh Đức cũng từng tham gia chiến trường Cam Pu Chia về và mới bị bổ bệnh hơn 10 năm nay. Ngước nhìn bàn thờ cha mẹ, Lộc Viết Đức nói: “Anh ngồi uống nước chờ tôi tý. Lâu nay lên cơn bệnh luôn nên nơi thờ cúng cha mẹ không lau dọn được, mạng nhện bám đầy nên phải gỡ bớt đi để thắp cây nhang”. Anh Đức vừa thắp nhang khấn nhỏ nhưng tôi ngồi gần cũng đủ nghe. “Cha mẹ linh thiêng thì cho chị em con khỏi bệnh, có sức khỏe để làm kiếm cái mà ăn… ”. Khấn xong, tôi cũng nổi da gà vì anh Đức bảo: “Thế là cha mẹ phù hộ mình rồi đó”. Một người phụ trách hội chữ thập đỏ của xã đi cùng bảo: “Anh Đức lại sắp lên cơn rồi”…

Mỗi một bệnh nhân tâm thần ở xã Tân Hội có một hoàn cảnh. Người may mắn thì còn có người thân che chở, cưu mang, còn phần lớn là cuộc sống của họ bế tắc và không có lối thoát. Ghé căn nhà tình thương ở xóm 4, thôn Tân Đà, nếu mới tiếp xúc thì tưởng chừng rất bình yên. Nhưng quả thật họ đã trải qua không biết bao sự cay đắng, đằng đẵng suốt nhiều năm trời. Nhà có 5 khẩu thì có tới 4 người bị bệnh tâm thần. Khi chúng tôi thực hiện phóng sự này, bà Nguyễn Thị Phương (chồng mất cách đây 18 năm) là chủ của ngôi nhà đưa đứa con trai của mình là Nguyễn Trị Trung đang điều trị bệnh tâm thần ở Thành phố Biên Hòa hơn 3 tháng nay. Cả gia đình có 2 sào vừa đất ở vừa đất làm cà phê, cuộc sống cơm áo luôn là nỗi ám ảnh đối với gia đình họ. Nhưng đáng sợ hơn, lúc về khuya những đứa con của bà Phương thường hay lên cơn bệnh thì căn nhà trở nên tan hoang, các vật dụng bị đập vỡ. Khổ hơn nữa là khi trong nhà có 1 hoặc thậm chí một lúc có đến 3 người bị bệnh nặng muốn đi điều trị thì không biết lấy đồng tiền ở đâu. Những lúc đó, bà Phương (bị bệnh tâm thần nhưng đang ở mức độ nhẹ) phải đi vay mượn hết chỗ này đến chỗ khác, nợ nần chồng chất nợ nần. Trong nhà duy nhất chỉ còn đứa con gái út là Nguyễn Thị Trị Thanh 19 tuổi không bị bệnh, ngày ngày đi làm thuê như làm cỏ, bón phân, hái cà phê…kiếm tiền và lo cơm nước cho gia đình.

Hôm nay, Nguyễn Trị Thuyết 23 tuổi không phát bệnh. Thấy có người lạ  đến nhà cũng kéo chiếc ghế nhựa kê sát bàn ngồi thất thểu. Thỉnh thoảng Thuyết lại nhíu mày, cười cười, nói nói, có lúc đăm chiêu suy nghĩ điều gí đó rồi lại lê những bước chân một cách mệt nhọc. Nhìn vào vẻ mặt thẫn thờ và dáng đi xiêu vẹo của Thuyết cũng nói lên phần nào mà gia đình em phải gánh chịu trong suốt những thời gian qua. Bà Phan Thị Kim Cương là hàng xóm của gia đình bà Phương cho biết: “Hoàn cảnh nhà bà Phương bị đát lắm, kiếm cái ăn cái mặc đã rất khó, bệnh tật lại hoành hành. Những lúc mấy đứa con lên cơn thì tôi thường phải chạy sang phụ giúp bà xích chúng nó lại không chi nó phá hết đồ đạc. Bà con lối xóm giúp đỡ cũng có, nhưng hoàn cảnh nhà bà Phương khó khăn như vậy nên tiền của giúp đỡ chừng ấy không khác nào muối bỏ biển”. 
   
Chúng tôi xin điểm thêm một gia đình nữa có hoàn cảnh cũng không kém phần bi đát: Ở xóm 1, thôn Tân Hiệp có gia đình chị Hoàng Thị Mỹ chồng chết cách đây 6 năm và bản thân chị cũng bị bệnh tâm thần 4 năm nay. Đứa con gái đầu là cháu Nguyễn Thị Hoàng Oanh học đến lớp 4 thì bổ bệnh buộc phải nghỉ học giữa chừng và đến nay gần 8 năm trời. Gia đình chị không có một tấc đất sản xuất, sống nhờ vào đồng tiền trợ cấp của xã hội. Trong ngôi nhà có 3 người thì chỉ còn cháu Nguyễn Hoàng Cao Nguyên năm nay đang học lớp 6. Mặc dù cháu học rất chăm chỉ, nhiều năm đạt học sinh khá của nhà trường. Nhưng với hoàn cảnh gia đình mình như thế này, mẹ và chị đều bị bệnh tâm thần thì không biết tương lai của Nguyễn Hoàng Cao Nguyên sẽ ra sao?.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Tân Hội cung cấp về số liệu bệnh nhân  tâm thần ở địa phương khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Toàn xã có tới 32 trường hợp bị bệnh tâm thần, người lâu nhất thì bị bẩm sinh từ khi còn nhỏ và kéo dài hàng chục năm, cũng có người đang bình thường thì bị  bệnh 4 đến 7 năm nay. Chúng tôi cũng không lý giải nổi nữa khi có nhiều gia đình có 2 đến 4 người bị bệnh. Nhưng điều chúng tôi quan tâm hơn là trong số đó có 5 hộ gia đình với 12 người bị bệnh, cuộc sống vô cùng khó khăn và không có nơi nương tựa. Họ rơi vào cảnh bế tắc đến cùng cực và không biết đến bao giờ những thân phận đáng thương đó mới thoát khỏi cảnh nỗi đau chồng chất nỗi đau.

Thế Hạnh