“Rắc rối” chuyện thu hồi đất?

03:01, 13/01/2011

Tất cả 44 hộ nhận khoán đất bị ảnh hưởng bởi dự án đều đồng tình về chủ trương di dời để triển khai dự án Khu dân cư số 7. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đã phát sinh “rắc rối”

Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dân cư số 7 (phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc) được triển khai từ đầu năm 2010, với mục đích tạo quỹ đất tái định cư cho một số dự án đang triển khai trên địa bàn thành phố (TP) và đấu giá giao quyền sử dụng đất để tái đầu tư cơ sở hạ tầng. Dự án triển khai trên diện tích hơn 22 ha do Công ty Cổ phần (CP) Chè Minh Rồng quản lý. Tất cả 44 hộ nhận khoán đất của Công ty bị ảnh hưởng bởi dự án đều đồng tình về chủ trương di dời để triển khai dự án Khu dân cư số 7. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đã phát sinh “rắc rối”, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân!

Người dân không đầu tư chăm sóc trên đất đã quy hoạch nhưng vẫn phải đóng đ ủ định mức nhận khoán cho Công ty.
Người dân không đầu tư chăm sóc trên đất đã quy hoạch nhưng vẫn phải đóng đ ủ định mức nhận khoán cho Công ty.
Theo phương án chi tiết số 23 của Hội đồng đền bù UBND TP Bảo Lộc ngày 05/11/2010, Công ty CP Chè Minh Rồng được bồi thường, hỗ trợ hoa màu theo quy định của Nhà nước và phía Công ty có sự thỏa thuận với những hộ nhận khoán. Ngoài ra, áp dụng Quyết định 32 của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong dự án này, người trực tiếp nhận khoán còn được hưởng mức hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, với mức hỗ trợ được chi trả bằng tiền và bằng 100% đơn giá bồi thường đất nông nghiệp (640 triệu/ ha). Tuy nhiên, Công ty CP Chè Minh Rồng đã triệu tập cuộc họp và thông báo rằng: Về hỗ trợ hoa màu, đối với chè cành trồng mới thì tỷ lệ ăn chia Công ty và người nhận khoán là 60 – 40. Còn chè giống cũ (chè trồng bằng hạt), người nhận khoán chỉ được hưởng 10 triệu/ ha (còn lại là của Công ty). Mức hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất là Công ty được hưởng và Công ty sẽ … “chia” 50 - 50 (Công ty 50%, người nhận khoán 50%).

Cách giải quyết “ăn chia” như thế làm người dân không đồng tình. Chị Trần Thị Thu, một người nhận khoán, cho biết: “Người thân tôi có đến 4 hộ nhận khoán đất của Công ty CP Chè Minh Rồng. Hộ ít thì vài sào, còn hộ nhiều thì tới cả mẫu. Chúng tôi đã gắn bó với đồi chè của Nông trường Minh Rồng mấy chục năm nay. Từ tháng 5/2010, phía Công ty có thông báo cho các hộ nhận khoán ngưng sản xuất để chờ thu hồi đất, triển khai dự án Khu dân cư số 7. Trong lần họp dân đầu tiên, Công ty thông báo mức ăn chia như vậy là quá vô lý!”. Ngoài ra, Công ty CP Chè Minh Rồng gây áp lực, là sau thời điểm tháng 5/2010, còn buộc các hộ nhận khoán vẫn phải đóng đủ định mức sản lượng khoán. Nhiều gia đình vì lo sợ bị thu hồi diện tích chè nhận khoán nên phải mua chè bên ngoài để đóng đủ 100% sản lượng cho Công ty. Ông Đỗ Văn Khỏe, một người nhận khoán, cho biết: “Khi đất trồng chè đã có quy hoạch, chẳng ai đầu tư vào đó nữa. Riêng gia đình tôi đã đóng sản lượng cho Công ty được 70%, còn thiếu 2 tấn chè nữa mới đủ định mức, nhưng không có tiền mua ngoài, đành phải chịu!”.

Vì sao lại có chuyện đòi ăn chia phi lý này của Công ty CP Chè Minh Rồng? Theo Phương án chi tiết ngày 5/11/2010 về “Bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng” của Hội đồng đền bù UBND TP Bảo Lộc, thì tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Khu dân cư số 7 là gần 16 tỷ đồng. Trong đó, bồi thường hoa màu là 2 tỷ 250 triệu; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ nhận khoán là 13 tỷ 675 triệu đồng. Trong khi đó, theo Quyết định 1654 của UBND TP Bảo Lộc ngày 8/11/2010 về “Phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Khu dân cư số 7” thì chi phí hỗ trợ về ồn định đời sống và sản xuất cho Công ty CP Chè Minh Rồng là 13 tỷ 675 triệu đồng. Chính sự thiếu đồng nhất của 2 văn bản này “kẻ hở” để Công ty CP Chè Minh Rồng đề ra tỷ lệ ăn chia với người dân. 

Cũng cần nói thêm, ngay khi dự án Khu dân cư số 7 vừa mới được triển khai, Công ty CP Chè Minh Rồng đã có văn bản gởi UBND TP Bảo Lộc đề xuất phương án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo đó, Công ty sẽ trực tiếp thực hiện thỏa thuận và nhận tiền đến bù, hỗ trợ đối với diện tích đất bị thu hồi và tài sản trên đất; đồng thời, sẽ giải quyết bố trí tái sản xuất cho các hộ nhận khoán tại địa điểm khác có điều kiện và giá trị tương ứng. Về phía UBND TP Bảo Lộc đã có văn bản trả lời, phương án này chỉ được chấp nhận khi Công ty CP Chè Minh Rồng thỏa thuận được với các hộ nhận khoán có đất bị thu hồi. Ông Phan Văn Cương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đầu tư Xây dựng và Phát triển quỹ đất TP Bảo Lộc (đơn vị trực tiếp xây dựng phương án chi tiết về hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Khu dân cư số 7), khẳng định: Theo quy định của Nhà nước, Công ty CP Chè Minh Rồng chỉ được hưởng tiền đền bù cây trồng; còn phần hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất là của những hộ trực tiếp nhận khoán. Người dân hoàn toàn thống nhất về qui định này, nhưng về phía Công ty CP Chè Minh Rồng lại không hợp tác, mà đề nghị phải chuyển tiền về cho Công ty và Công ty sẽ chi trả lại cho hộ nhận khoán. Hiện tại, Trung tâm đang đề xuất với UBND TP để điều chỉnh cho thống nhất giữa Phương án bồi thường và Quyết định 1654. Ngoài ra, về hình thức chi trả cũng sẽ điều chỉnh lại để chi trả trực tiếp cho người nhận khoán, không chi trả qua trung gian cho Công ty CP Chè Minh Rồng, vì Công ty đã không thỏa thuận được với các hộ nhận khoán.
 
Đông Anh