Mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình nước sạch, thế nhưng đến hiện tại, hàng trăm hộ dân của thôn 2 và thôn 3 (xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm) vẫn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng mỗi ngày…
Mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình nước sạch, thế nhưng đến hiện tại, hàng trăm hộ dân của thôn 2 và thôn 3 (xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm) vẫn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng mỗi ngày…
|
Nguồn nước tự chảy chỉ có thể về đến thôn 1 cho bà con sử dụng. |
Gần 1 năm trở lại đây, chị Trần Thị Lắm (thôn 2, xã Lộc Lâm) ngày nào cũng phải xách can đi xin nước nhà hàng xóm cách nhà mình hơn 1 km. Chị than thở: “Nước sinh hoạt ở nhà mình không có, ngày nào cũng phải đi xin nhà hàng xóm. Họ đâu có giếng, mà phải dùng máy bơm từ dưới suối lên. Đi làm về đã mệt lại còn phải đi xin từng can nước nên cực quá. Xin hoài cũng ngại, quần áo phải gom 2, 3 ngày mới mang đi giặt. Không riêng nhà mình, mà cả thôn này đều không có nước dùng!”.
Được biết, trước đây bà con xã Lộc Lâm sử dụng nguồn nước từ dự án nước tự chảy. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nguồn nước này không thể chảy về đến thôn 2 và thôn 3. Do đó, người dân phải tự xoay xở để tìm nguồn nước sinh hoạt riêng cho gia đình. Đa phần người dân buộc phải sử dụng nguồn nước ở các ao, hồ, suối không đảm bảo vệ sinh. Chị Ka Dụ (thôn 3, xã Lộc Lâm) cho biết: “Không có nước, nên mọi sinh hoạt trong gia đình đều gặp khó khăn, từ việc tắm giặt, lau dọn nhà cửa đến việc ăn uống. Trước đây, có nước về đến thôn bà con rất vui mừng, nhưng sử dụng chưa được bao lâu thì nguồn nước này không còn. Bà con mong sớm được khắc phục để có nước sạch sử dụng hàng ngày”.
Từ năm 1998, bằng các chương trình của Trung ương và địa phương, xã Lộc Lâm đã được đầu tư các hệ thống nước sạch để phục vụ sinh hoạt cho bà con, như hệ thống nước tự chảy, giếng khoan, giếng đào. Bà Ka Phờm – Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm, cho biết: Năm 1998, chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Úc đã đầu tư hệ thống nước tự chảy cho bà con trong toàn xã sử dụng. Thế nhưng, sau một thời gian đưa vào sử dụng, hệ thống này chỉ còn người dân thôn 1 sử dụng được. Nguyên nhân chính là do đường ống dẫn nước nhỏ, không đủ áp lực đẩy nước đến điểm cuối. Hơn nữa, bà con ở đầu nguồn nước sử dụng không tiết kiệm và hệ thống van nước lại bị hư hỏng nhiều. Ngoài hệ thống nước tự chảy, các thôn còn được đầu tư giếng đào và giếng khoan. Từ năm 2006 đến năm 2008, thôn 2 và thôn 3 đã được khoan 3 giếng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nước không cao, cả 3 giếng đều bị nhiễm phèn nặng. Do đó, bà con chỉ có thể sử dụng để tắm giặt, không thể dùng để ăn uống. Ngoài ra, từ chương trình 134, xã cũng đã đào 24 giếng để chủ động nguồn nước sinh hoạt cho bà con, nhưng đến nay tất cả đã bị sập lở, không còn một giếng nào sử dụng được!
Theo bà Ka Phờm, để khắc phục tình trạng thiếu nước của bà con thôn 2 và thôn 3 thì cần phải nâng cấp lại đường ống nước tự chảy dẫn từ thôn 1 hoặc phải đầu tư thêm một hệ thống nước tự chảy từ một nguồn nước khác tại thôn 2. Ngoài ra, để tránh lãng phí, những giếng khoan đã làm thì cần đầu tư hệ thống xử lý phèn để bà con có thể sử dụng được. Về lâu về dài, ông Vương Khả Kim – Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho rằng: “Do xã Lộc Lâm nằm ở vị trí không thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng nên nguồn nước sinh hoạt và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Về phía huyện đã có chủ trương sẽ di dời xã Lộc Lâm sang một vị trí thuận lợi hơn. Hiện tại, huyện đã chọn được vị trí và trong thời gian tới sẽ tiến hành di dời xã”. Trong khi chờ đợi việc di dời xã, hơn 300 hộ dân thôn 2 và thôn 3 (xã Lộc Lâm) đang cần một nguồn nước sạch để sinh hoạt thường ngày.
Đông Anh