Một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, lãng phí hiện nay là do việc công khai tài chính chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Chính vì sự mập mờ hoặc không công khai tài chính của một số cơ quan, đơn vị và sự yếu kém, tiêu cực trong công tác kiểm tra, thanh tra về tài chính nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ thoái hoá biến chất có cơ hội thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng trong thời gian dài mà không bị phát hiện, xử lý kịp thời.
Làm tốt việc công khai tài chính sẽ giúp cho cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị biết được những khoản thu – chi tài chính của đơn vị mình từ đó đối chiếu xem có đúng pháp luật, mục đích hay không. Bên cạnh đó, còn giúp cho các cơ quan quản lý cấp trên theo dõi, nắm bắt được việc thu - chi tài chính, tình hình chi tiêu của đơn vị một cách chính xác, đúng pháp luật. Điều này sẽ góp phần hạn chế tình trạng một số cá nhân đứng đầu cơ quan, đơn vị chuyên quyền, độc đoán điều hành, quản lý cơ quan, coi cơ quan Nhà nước như công ty gia đình, nhất là đối với những nơi mà vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể không phát huy tác dụng hoặc bị vô hiệu hoá.
Công khai tài chính có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, hạn chế tham nhũng, lãng phí, bởi vì theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ thì hiện nay phần lớn các cơ quan Nhà nước đều đã thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Do vậy, nếu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không gương mẫu, không giữ được phẩm chất đạo đức mà tư lợi cá nhân, tham nhũng sẽ rất dễ dàng thực hiện và rất khó kiểm soát.
Thiết nghĩ, nếu các cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện nghiêm việc công khai tài chính, kiểm tra tài chính theo đúng quy định của pháp luật sẽ góp phần rất lớn trong việc hạn chế, phòng và chống tiêu cực, tham nhũng ngày càng có chiều hướng gia tăng như hiện nay.