Ở xứ lạ, thèm lắm tết quê hương!

09:02, 03/02/2011

Những ngày cuối năm, lòng tôi lại quay quắt nhớ về vùng đất sương mù Đà Lạt, nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm của thời con gái. Trong chuỗi những ngày cận tết, tôi thường gọt vỏ gừng, tỉa hoa bằng cà rốt cho mẹ làm mứt, hay tỉa củ cải làm dưa món. Cả nhà tôi háo hức chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh chưng.

Những ngày cuối năm, lòng tôi lại quay quắt nhớ về vùng đất sương mù Đà Lạt, nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm của thời con gái. Trong chuỗi những ngày cận tết, tôi thường gọt vỏ gừng, tỉa hoa bằng cà rốt cho mẹ làm mứt, hay tỉa củ cải làm dưa món. Cả nhà tôi háo hức chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh chưng.

Chị em chúng tôi tất bật đãi đậu, lau lá dong cho mẹ gói bánh. Năm nào cũng vậy, mỗi khi sắp tết, lòng tôi lại rộn lên một cảm giác khó tả. Vậy mà thoắt một cái, đã hơn bảy năm rồi tôi không được hưởng cái tết Việt Nam.

Tết lạnh và vắng

Trước khi lấy chồng, nghe nói Hàn Quốc cũng ăn tết âm lịch, tôi mừng thầm trong lòng. Ít ra nơi xứ lạ, tôi cũng có thể đón năm mới cùng thời điểm với gia đình ở quê nhà, cùng hòa nhịp với mọi người ở Việt Nam để đếm những thời khắc cuối cùng của năm cũ. Thế nhưng thực tế đón tết cổ truyền ở Hàn Quốc đã khiến tôi không khỏi thất vọng.

Ngắm hoa anh đào ở Incheon Grand Park. (Ảnh tác giả cung cấp)

Ngày 29 tết, cha mẹ chồng và chồng tôi vẫn đi làm bình thường. Cả nhà không hề nô nức đi sắm sửa gì cho tết. Tết ở Hàn Quốc, mọi người chỉ được nghỉ vỏn vẹn có ba ngày. Đây là dịp con cái đi làm xa quay về gian nhà chính, nhà từ đường, nơi thờ cúng tổ tiên để quỳ lạy và ăn bữa cơm gia đình. Sau đó, các thành viên quay về nhà riêng nghỉ ngơi, mùng 3 tết lại đi làm như thường lệ.

 

Trong cơn rét run vì lạnh, bụng tôi bắt đầu cồn cào đói. Lúc ấy, tôi thèm xiết bao cảm giác ấm cúng bên nồi bánh chưng nghi ngút khói.

Sau khi lập gia đình, giới trẻ Hàn Quốc thường chuyển đến các thành phố lớn để làm việc và đi học thêm. Họ chỉ về nhà vào dịp tết và Trung thu. Vì vậy, những ngày này luôn xảy ra nạn kẹt xe vào giờ cao điểm. Nhà ông bà nội chồng ở vùng quê, cách nơi chúng tôi sống chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ chạy xe vào ngày thường. Thế nhưng năm nào cũng vậy, cứ 4 giờ sáng 30 tết, dưới cái lạnh -10 độ C, chúng tôi lên xe về nhà ông bà nội chồng nhưng phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ thì mới tới nơi. Trong cơn rét run vì lạnh, bụng tôi bắt đầu cồn cào đói. Lúc ấy, tôi thèm xiết bao cảm giác ấm cúng bên nồi bánh chưng nghi ngút khói. Giờ này ở quê nhà, chắc hẳn các chị em tôi đang phụ mẹ nấu ăn, ngoại tôi chắc đang chuẩn bị mâm ngũ quả, nhang đèn để cúng tất niên… Nghĩ lại thương, lại nhớ vô cùng, tự nhiên sống mũi cay cay.

Đón tết trong tiết trời Hàn Quốc lạnh giá. (Ảnh tác giả cung cấp)

Tôi từng tưởng tượng vùng quê với những đồng lúa bạt ngàn, trải dài ngút ngát. Bù lại, đập vào mắt tôi là những ruộng lúa trơ gốc rạ, đất đai khô cằn, trắng xóa những mảng tuyết chưa kịp tan. Đường sá vắng tanh vắng ngắt, các hàng quán, chợ búa đều đóng cửa. Tôi không thấy những cuộc du xuân, thăm viếng họ hàng, láng giềng. Tôi không nghe cả tiếng cắn hạt dưa tí tách, không cả tiếng trẻ em cười đùa… Chỉ có tiếng xuýt xoa vì lạnh, tiếng cửa mở ra rồi lại đóng gấp gáp, tiếng gió lùa hun hút, buốt giá…

Thèm mâm cơm Tết Việt

Người Việt Nam mình thường chú trọng vào việc chuẩn bị một bữa cơm đầu năm đầy đủ để cả năm đều được ăn ngon. Tôi nhớ bữa cơm tết ở nhà có thịt đông béo ngậy, có bánh chưng, dưa món, củ kiệu, giò chả các loại, có vịt nấu măng hương vị đậm đà… Tôi thèm cắn một miếng mứt ngọt ngào, nhấp một ngụm trà mạn sen thơm phức ngoại vừa pha.

Ở đây thật khác! Khi những người đàn ông trong họ hàng đã quỳ lạy tổ tiên xong, chúng tôi bắt đầu ăn cơm. Bữa cơm tết truyền thống của Hàn Quốc rất đơn giản, chỉ với món canh bánh gạo (ttokkuk), cá và bí tẩm bột chiên cùng kim chi các loại. Ngày tết ở Hàn Quốc, hầu như các món ăn, từ món chính đến các món tráng miệng, đều chế biến từ bột gạo… Ăn xong, mọi người lại lục tục kéo nhau đi. Tôi thầm hình dung đến mâm cơm tết ở Việt Nam mà buồn muốn khóc.

Con không được hưởng không khí tết Việt Nam đầm ấm như mẹ. (Ảnh tác giả cung cấp)

Sau khi từ nhà ông bà nội về, hai ngày sau đó trong gia đình tôi vẫn chẳng có gì khác ngoài món canh bánh gạo. Ăn cơm xong, cha mẹ chồng ngồi coi tivi. Chồng tôi suốt ngày lên mạng, xem phim, theo dõi tin tức… Mình tôi thơ thẩn hết phòng này sang phòng khác, tự hỏi giờ này ở Việt Nam mọi người đang làm gì - đi tảo mộ, thăm họ hàng hay đang ngồi tiếp khách, nói chuyện, cười đùa? Mấy đứa cháu chắc lại đang tíu tít khoe nhau xem được bao nhiêu tiền lì xì… Không khí ấy sẽ kéo dài cả tuần lễ, đến tận mùng 5, mùng 6 vẫn chưa thôi.

Tôi đã trải qua bảy cái tết như thế ở Hàn Quốc. Đã bảy năm, tôi không còn cảm nhận được không khí thiêng liêng của mấy ngày tết. Vì là con dâu duy nhất trong gia đình nên việc về Việt Nam ăn tết với tôi gần như là không tưởng. Tôi thương các con không hiểu được tâm trạng háo hức khi mặc những bộ quần áo mới đi du xuân, không khí trang nghiêm khi được cùng gia đình đi tảo mộ hay cảm giác sung sướng lúc được nhận tiền lì xì…

Món ăn chủ đạo trong ngày tết Hàn Quốc: Bánh gạo (trái) và canh bánh gạo. Ảnh: ST

Năm nay, tôi sẽ phải thay đổi không khí ấy. Tôi sẽ đi chợ, nấu thật nhiều món ăn ngon. Chồng tôi cũng sẽ phải tách khỏi máy vi tính để phụ tôi nấu nướng. Ăn xong, chúng tôi sẽ đến chúc tết cha mẹ chồng, lì xì cho con… Dù chỉ vỏn vẹn trong hai ngày, tôi sẽ cố gắng tạo cho các con niềm vui về cái tết Việt Nam đầm ấm không khí gia đình trong những ngày xuân Hàn Quốc giá lạnh.

 Theo Pháp Luật TP. HCM - HOÀNG DUY TIÊN (Thư từ Incheon, Hàn Quốc)