Đất nghĩa địa Đồng Lạc có bị lấn chiếm?

03:03, 27/03/2011

Từ chỗ “mượn” đất nghĩa địa tạm thời còn trống để canh tác, rồi dần dần lấn chiếm làm nhà ở trái phép, dẫn đến tranh chấp, gây mâu thuẫn là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay ở vùng nông thôn tại nhiều địa phương. Dư luận trong huyện Di Linh đang đặt câu hỏi, đất Nghĩa địa Đồng Lạc (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) có hay không hiện tượng này?

Ở đâu cũng thế, đất qui hoạch nghĩa địa rõ ràng là không thể sử dụng hết cùng một lúc, mà là quỹ đất dự trữ dùng để chôn cất người khi “quá cố”. Từ chỗ “mượn” đất tạm thời còn trống để canh tác, rồi dần dần lấn chiếm làm nhà ở trái phép, dẫn đến tranh chấp, gây mâu thuẫn là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay ở vùng nông thôn tại nhiều địa phương. Dư luận trong huyện Di Linh đang đặt câu hỏi, đất Nghĩa địa Đồng Lạc (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) có hay không hiện tượng này?
 
Ba ngôi nhà “mọc” trái phép trên đất Nghĩa địa Đồng Lạc.
Ba ngôi nhà “mọc” trái phép trên đất Nghĩa địa Đồng Lạc.

NHÀ CHỨC TRÁCH TRẢ LỜI RẰNG: KHÔNG !

Liên tục trong mấy năm nay, các cụ hội viên Hội người cao tuổi tại xã Đinh Lạc (huyện Di Linh) vừa làm đơn khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền vừa trực tiếp phản ánh và kiến nghị tại nhiều lần đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tiếp xúc với cử tri. Nhưng do chính quyền địa phương kéo dài và giải quyết chưa thỏa đáng, nên các cụ không… “nguôi” được nỗi bức xúc, cứ liên tục khiếu nại!

Từ 2007 đến nay, cụ Thiệu Sấm Phát (trú tại thôn Đồng Lạc 2 – xã Đinh Lạc) – Phó Ban quản trang Nghĩa địa Đồng Lạc, đã 4 lần đại diện cho người cao tuổi ở địa phương làm đơn khiếu nại và nhiều lần trực tiếp kiến nghị các cấp có thẩm quyền về việc ông Lê Văn Phúc (ở thôn Tân Lạc I, xã Đinh Lạc, nhà ở sát ranh Nghĩa địa Đồng Lạc): Thửa đất hiện đang ở, trước đây ông Phúc mua của ông Nguyễn Văn Giang, chiều dài mặt tiền đường chính chỉ có 20 m. Dần dần, ông Phúc đã lấn chiếm trái phép thêm 27m đất mặt tiền của nghĩa địa. Như vậy, tổng cộng ông Phúc có 47 m đất mặt tiền. Đất lấn chiếm Nghĩa địa Đồng Lạc trái phép, ông Phúc đã chia lô bán cho 3 người, là ông Chiến, bà Mai và ông Hưng. Hiện nay, họ đã xây dựng nhà ở. Không hiểu lý do tại sao, ông Phúc đã được UBND huyện đã cấp 2 GCN QSDĐ: Ngày 11/7/1997, cấp thửa 435 (tờ bản đồ 30D), diện tích 4.985 m2 (trong đó có 400 m2  đất ở) và ngày 13/9/2006, cấp tiếp thửa 765 (tờ bản đồ 30D), diện tích 2.704 m2 đất nông nghiệp (Vị trí thửa 765 ở phía sau thửa 435, không có đất mặt tiền). Trong số diện tích đã cấp cho ông Phúc, có đất của Nghĩa địa Đồng Lạc!

Mãi đến ngày 13/12/2010, UBND huyện Di Linh đã có Quyết định số 3700/QĐ - UBND giải quyết việc khiếu nại của ông Thiệu Sấm Phát. Quyết định ghi rõ: “Không chấp nhận đơn của ông Thiệu Sấm Phát khiếu nại UBND huyện Di Linh cấp GCN QSDĐ cho ông Lê Văn Phúc tại thửa 435 và thửa 765 (tờ bản đồ 30D)…”. Bởi vì, theo QĐ 3700: “Việc UBND huyện Di Linh cấp GCN QSDĐ cho hộ ông Lê Văn Phúc tại thửa 435 và thửa 765 là đúng với hiện trạng sử dụng đất và tờ bản đồ địa chính số 30D (xã Đinh Lạc) và đúng với qui định của Luật đất đai”(!)

NHƯNG THỰC TẾ KHẲNG ĐỊNH: CÓ!

Đã bức xúc lâu nay, nhưng khi có Quyết định số 3700 của UBND huyện Di Linh, thì các cụ cao tuổi ở đây lại càng bức xúc hơn. Ngày 6/1/2011, cụ Trần Hữu Thiết (ở thôn Đồng Lạc I) - người quản trang trực tiếp Nghĩa địa Đồng Lạc (nhà ở đối diện Nghĩa địa từ trước đến nay nên cụ rất am hiểu thực trạng đất đai ở khu vực này), tiếp tục đại diện cho các cụ cao tuổi làm đơn khiếu nại ông Lê Văn Phúc lấn chiếm đất Nghĩa địa Đồng Lạc và sang nhượng trái phép cho người khác, gởi Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và các ngành liên quan. Thừa lệnh Chủ tịch, ngày 20/1/2011, Chánh Văn phòng UBND tỉnh đã chuyển đơn về UBND huyện Di Linh để xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Hiện nay, đơn khiếu nại của ông Trần Hữu Thiết vẫn chưa được giải quyết.

Sau khi tiếp nhận đơn, chúng tôi đã tiến hành điều tra, xác minh vụ việc và đã ghi nhận là: Nguồn gốc thửa 435 trước đây là nằm trong khu vực đất của HTX Nông nghiệp Đồng Lạc quản lý. Sau khi qui hoạch khu dân cư, đất dọc đường chính được cấp cho bà con ở địa phương, mỗi thửa thổ cư chỉ có chiều dài (mặt tiền) 20m. Trong đó, có 3 gia đình chính sách, là ông Hán (được cấp thửa 435, giáp ranh đất Nghĩa địa Đồng Lạc), kế đến là ông Mạnh, ông Cừ… Năm 1991, ông Hán bán cho bà Hồ Thị Mai. Năm 1992, bà Mai bán cho Bà Đặng Thị Mùi (bà Mùi mua giùm cho cháu là Nguyễn Văn Giang). Năm 1994, ông Giang tiếp tục bán thửa đất 435 cho ông Lê Văn Phúc.

Xác định về kích thước thửa đất 435 trước đây, bà Hồ Thị Mai cho biết: “Năm 1991, tôi mua thửa đất của ông Nguyễn Văn Hán giáp ranh Nghĩa địa Đồng Lạc. Diện tích hơn 4 sào, bề ngang mặt tiền khoảng 6 – 7 hàng cà phê (tương đương 20 m). Gia đình tôi có phát hoang, trồng thêm hoa màu trên đất Nghĩa địa. Khi ấy, Hội phụ lão chỉ cho mượn”. Bà Mai cho biết thêm: “Khi bán cho bà Mùi, tôi chỉ ranh giới như khi mua của ông Hán”. Còn bà Đặng Thị Mùi cũng cho biết: “Khi mua của bà Mai diện tích trên 4 sào. Quá trình sử dụng tôi có trồng cà phê lấn sang đất nghĩa địa vài hàng…”.

Như vậy, nguồn gốc thửa 435 (cũng như các thửa khác) chỉ có mặt tiền 20m. Nhưng theo biên bản kiểm tra thực địa của Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Di Linh ngày 19/10/2010 thì thửa 435 có chiều dài mặt tiền tới 45,3 m. Trong đó, phần đất nhà ông Phúc đang ở có mặt tiền 27 m và 18,3 m ông đã bán ông Chiến, bà Mai và ông Hưng. Cả 3 hộ này đã làm nhà ở, nhưng hiện còn nợ tiền đất ông Phúc, vì chưa làm được giấy tờ hợp lệ!

Như thế, điều khẳng định là có hiện tượng lấn chiếm đất Nghĩa địa Đồng Lạc. Việc khiếu nại ông Lê Văn Phúc lấn chiếm thêm đất nghĩa địa để trồng cà phê, sau đó dần dần “hợp thức hóa” QSDĐ và sang nhượng trái phép cho người khác làm nhà ở, là có cơ sở. Việc giải quyết tranh chấp này là thuộc thẩm quyền của UBND huyện Di Linh. Thiết nghĩ, UBND huyện cần giải quyết một cách nghiêm túc, thỏa đáng và hợp lòng dân. “Đất qui hoạch Nghĩa địa Đồng Lạc (thửa 680 - tờ bản đồ 30D, diện tích 36.860 m2) đã giao cho Ban quản trang quản lý. Diện tích đã bị lấn chiếm, dứt khoát phải được trả lại cho Ban quản trang để quản lý và sử dụng đúng mục đích, không ai có quyền lấn chiếm!” – Đó là nỗi bức xúc và cũng là lời kiến nghị rất chính đáng của cụ Lê Quang Chạy (thôn Đồng Lạc 2) - Trưởng Ban quản trang Nghĩa địa Đồng Lạc và rất nhiều cụ cao tuổi ở đây, khi trao đổi với chúng tôi.

NHÓM PHÓNG VIÊN