Hoa nở trong lòng người

02:03, 23/03/2011

Vượt quãng đường gần 1500 km, bỏ lại sau lưng cái lạnh đến buốt lòng đặc trưng của vùng khí hậu miền núi phía Bắc, tôi đến một địa danh đã quá nổi tiếng, quá nhiều người ngợi ca, quá nhiều bút giấy nói đến, ấy là thành phố Đà Lạt.

Vượt quãng đường gần 1500 km, bỏ lại sau lưng cái lạnh đến buốt lòng đặc trưng của vùng khí hậu miền núi phía Bắc, tôi đến một địa danh đã quá nổi tiếng, quá nhiều người ngợi ca, quá nhiều bút giấy nói đến, ấy là thành phố Đà Lạt.

Sớm mai trên Hồ Xuân Hương. Ảnh: minh hoạ - nguồn internet
Sớm mai trên Hồ Xuân Hương. Ảnh: minh hoạ - nguồn internet
Cảm giác đầu tiên của tôi là ngợp trong rừng hoa. Ôi chao, chưa nơi nào tôi thấy hoa lại rực rỡ và đáng yêu như ở đây. Hoa hồng trồng làm giải phân cách, hoa treo tòng teng dưới cột đèn đường; hoa làm hàng rào, kết cổng ra vào; hoa nở tưng bừng trên ban công, trước tiền sảnh nhà riêng, công sở. Người Đà Lạt yêu hoa đến mức trên nền phòng khách nhiều nhà tôi vào, người ta còn cắt gạch men đỏ tỉ mẩn lắp ghép 2 bông hoa rực rỡ, ở kệ sách, ngăn tủ, chỗ nào có thể là hoa hiện diện. Ngược lại, hoa cũng yêu người lắm nên sắc hoa thắm tươi như không thể thắm tươi hơn. Mỗi bông hoa như một nụ cười duyên dáng và đôn hậu. Hoa nâng tâm hồn con người bổng lên vì mơ mộng, lãng mạn.

Nhưng điều tôi muốn nói không phải về những điều đã quá nổi tiếng như hoa ban, phượng tím, như Thung lũng Tình yêu, thác Prenn, đỉnh Langbian… những địa danh hầu hết khách du lịch đã đến Đà Lạt không thể bỏ qua, mà là tâm hồn con người nơi đây – ở thành phố du lịch này, không bị du lịch hóa. Phiêu diêu, trong trẻo, trầm mặc, bí ẩn là những thứ người Đà Lạt đã giữ được cho mình từ lâu và còn đến tận bây giờ.

Nghệ sĩ đến tận cùng

Tôi cứ suy nghĩ vẩn vơ như thế khi rời khỏi XQ sử quán ở 258 Mai Anh Đào, Phường 8. “Sớt” trên mạng, tôi được biết XQ là cơ sở tranh thêu tay nổi tiếng của Đà Lạt do 2 vợ chồng có tên là Xuân và Quân tạo nên.

Nghề thêu tranh bằng tay là nghề truyền thống có từ lâu đời, nhưng riêng XQ nổi tiếng thế giới không chỉ bởi những bức tranh đẹp đến lạnh người được thêu kỳ công từ bàn tay tài hoa kết hợp với tâm hồn nghệ sĩ hào hoa. Trong phòng trưng bày tranh còn có các nữ nghệ nhân ngồi thêu. Nhìn họ cũng giống một tác phẩm trong phòng trưng bày này. Nụ cười tươi tắn, giọng nói nhẹ như gió thoảng, nghệ nhân Võ Nữ Lan Phương đang lựa từng mũi chỉ cho bức Lập Đông. Họa sĩ phác thảo và nêu ý tưởng, còn chị thỏa sức sáng tạo làm nên bức tranh. Trên khuông vải lụa, tôi thấy sắc trầm nhẹ của không gian, thấy lá vàng rơi lác đác. Chị Phương bảo, công việc không câu thúc, lúc nào không thấy có cảm hứng thì đứng dậy ra ngoài đi dạo, thấy thanh thản, tìm được hứng thú lại trở về làm. Xa xa, lại một bức tranh nữa đang được thêu, bức “Du Thủy” rực rỡ vảy cá vàng, xanh mướt rong rêu khiến khách xuýt xoa. 

 
Nhưng ấn tượng khó phai ở XQ là góc nhìn nghệ sĩ. Tôi chưa được thấy mặt ông bà chủ, nhưng tôi mường tượng hai con người này nghệ sĩ đến tận cùng khi bắt gặp những nghi lễ bí ẩn: thay áo sống - áo chết; nghi lễ rước sợi chỉ ước nguyện; đặt hòn đá từ bỏ tinh thần thời gian; căn phòng “nỗi lo ong bướm”, vườn phong lan và lối đi Bâng khuâng cùng câu thơ: Mỗi ngày một nhánh lan nở muộn/đem phước lành cho tri kỷ hữu phương xa… Có cả phố ẩm thực của người thợ thêu sành nấu ăn có những cái tên rất hay như “Ai gọi tên anh trên cánh đồng hoa”… Lững thững trong không gian XQ, tôi như thấy chờn vờn một hồn thêu, câu thơ mờ mờ như không gian Đà Lạt cứ lững thững bám riết lấy tôi: Hồ nước mò trăng, trăng chẳng có/ hồn cây bắt gió gió thành trăng.

Thơm thảo tình người

Dường như sống trong khung cảnh dịu dàng, thời tiết không lạnh quá đến tê tái, không nóng quá đến bức bối, con người cũng thanh khiết, dịu hiền, ôn hòa. Chưa kể, mảnh đất này có lịch sử hàng trăm năm với đậm văn hóa của tầng lớp quý tộc châu Âu thấm từ đời này qua đời khác cho đến tận bây giờ. Trong cái xô bồ của nếp sống thị trường, của thành phố du lịch nhưng con người ở đây vẫn điềm đạm, nhẹ nhàng, buôn bán không cong cớn, chụp giật, nói thách không một tấc đến trời; đến chợ không thấy ồn ào, chát chúa; lái xe tắc - xi không bấm đồng hồ ăn gian quãng đường, có thể chờ khách từ sáng đến chiều không lấy thêm một đồng... Dường như, cái sự làm ăn được nhiều tiền hay ít tiền không quan trọng bằng làm đẹp lòng người khác, dù người đó chỉ là khách vãng lai, có khi chỉ một lần lui đến.

Cứ dọc theo những con đường thắm sắc hoa lá, chúng tôi bước vào khuôn viên Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng. Chỉ là bảo tàng cấp tỉnh thôi nhưng có diện tích 4ha, sự chuyên nghiệp trong trưng bày, phục vụ và gần 16 nghìn tài liệu hiện vật khiến tôi phải ngỡ ngàng. Nhưng ấn tượng cuối cùng để lại trong lòng tôi không phải là những chiếc chóe lớn, dàn đàn đá, những tấm ngói hình cánh chim, chiếc Linga bằng đá thạch anh… được khai quật trên mảnh đất Lâm Đồng từ thế kỷ thứ VII, thứ VIII… mà lại ở lòng người.

Chị Đoàn Thị Ngọ, Phó Giám đốc Bảo tàng chỉ nghe giới thiệu là người Thái Nguyên đã sẵn sàng dẫn đi xem kỹ 6 phần của Bảo tàng, kể cho tôi nghe chuyện chị và đồng nghiệp đi sưu tầm văn hóa dân gian vất vả nhưng thú vị thế nào. Chính những con người nhiệt tâm với nghề nghiệp này đã nghĩ ra việc tổ chức các trò chơi miễn phí thu hút học sinh đến tham quan Bảo tàng: Tung còn, bịt mắt đánh chiêng, bắn nỏ, bập bênh, ô ăn quan; cho các em tự tay in tranh dân gian, dệt vải, làm đồ gốm. Chị Ngọ bảo: ngành Giáo dục - Đào tạo có phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chúng tôi tạo không gian này cho các em học mà chơi, chơi mà học, các em đến Bảo tàng được giảm giá vé vào cửa, chơi các trò chơi dân gian miễn phí, học lịch sử như thế dễ thấm hơn.

Khi ra cổng, tôi lại gặp anh Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng đang đứng nói chuyện với khách tham quan, tôi buột mồm bày tỏ sự ngạc nhiên về việc lãnh đạo lại đích thân đưa khách thăm Bảo tàng, anh cười bảo: Đấy là sự thường, chúng tôi cũng muốn được nghe nhận xét của khách để chúng tôi phục vụ tốt hơn.

Thời gian ở Đà Lạt trôi đi thật nhanh, bởi rất nhiều chỗ muốn đến, nhiều điều muốn biết. Thật vô tình mà hữu duyên, tôi đến Thiền viện Trúc Lâm (ở phường 3) vào đúng ngày Rằm tháng 2 - Ngày đức Phật nhập cõi niết bàn, nên nghìn nghịt khách tham quan. Điều khác lạ với những nơi tôi đến là không hề thấy một người bán hương, một hòm công đức, chỉ thấy những tấm biển nhắc nhở vào nơi cửa Phật phải nói năng, ăn mặc lịch sự. 12 ha không gian của thông cổ vi vút, hoa nở rộn ràng, hồ nước trong vắt, những mái chùa cong cong và áo cà sa thấp thoáng.

Thấy tôi cứ quẩn quanh ngắm nghía khu Nội viện (nơi ở của các sư), nhà sư Thích Trúc Thông An điềm đạm hỏi tôi từ đâu đến. Biết tôi là khách phương xa, sư phá lệ mở cổng cho tôi vào xem Nội viện. Lần đầu tiên tôi tận mắt thấy tăng đường, viện xá, nhập thất và điều may hiếm có, tôi được chiêm bái xá lợi Phật - một đặc ân mà hàng vạn người đến đây không có được.

Nhà sư Thái Đạt chiếu đèn pin giới thiệu cho tôi nghe về lịch sử những viên xá lợi lấp lánh như kim cương, viên đỏ tươi, viên trắng muốt. Trước khi rời Thiền viện, tôi còn được mời ăn chè bưởi do chính tay các sư làm. Bát chè nhỏ tưới nước cốt dừa, thêm thìa đậu xanh, món quà thanh khiết ngát hoa bưởi khiến tôi quyến luyến không nguôi.

Sẽ còn rất nhiều điều tương tự để kể về con người ở đây, về tấm lòng dịu dàng, hiền hậu của họ. Xa Đà Lạt rồi, cái lưu lại sau cùng là câu chuyện tình người. Hoa đã đẹp, thiên nhiên đã đẹp nhưng bông hoa nở trong lòng người còn rực rỡ hơn, lâu phai hơn nhiều.

Ghi chép của Minh Hằng