Rừng Đạ Tẻh vẫn “nóng”

03:03, 29/03/2011

Huyện Đạ Tẻh có trên 36.000 ha rừng (gồm 48 tiểu khu), chiếm gần 69% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó: rừng phòng hộ xung yếu gần 5.170 ha, rừng sản xuất gần 30.850 ha. Trong những năm gần đây, rừng Đạ Tẻh vốn bình yên đang dần “nóng” lên bởi tình trạng khai thác, lấn chiếm đất rừng trái phép.

Huyện Đạ Tẻh có trên 36.000 ha rừng (gồm 48 tiểu khu), chiếm gần 69% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó: rừng phòng hộ xung yếu gần 5.170 ha, rừng sản xuất gần 30.850 ha. Trong những năm gần đây, rừng Đạ Tẻh vốn bình yên đang dần “nóng” lên bởi tình trạng khai thác, lấn chiếm đất rừng trái phép.

Theo lãnh đạo huyện Đạ Tẻh, trong năm 2010, toàn huyện xảy ra 357 vụ gồm các hành vi: phá rừng trái phép 101 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại trên 138 ha; khai thác rừng trái phép 40 vụ; vi phạm về quản lý bảo vệ động vật hoang dã 1 vụ; vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép 191 vụ; vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản 18 vụ, vi phạm khác 6 vụ… Trước thực trạng ấy, huyện đã xử lý 277 vụ (77,6%) gồm xử phạt vi phạm hành chính 266 vụ, xử lý hình sự 11 vụ với số bị can 22 người. Năm qua còn tồn 80 vụ (chiếm 22,4%) là do khi lập biên bản các đối tượng khai báo không đúng tên, địa chỉ cư trú và một số đối tượng di chuyển khỏi nơi cư trú. Cũng năm qua, các ngành chức năng đã thu gần 260 m3 gỗ các loại, 4 ô tô, 41 mô tô, 34 phương tiện khác và thu nộp tiền ngân sách trên 1,55 tỷ đồng…Tuy vậy, tình hình vi phạm Luật BV&PTR vẫn tiếp tục gia tăng và trong huyện nổi lên 4 điểm “nóng” ở các xã: Mỹ Đức (tiểu khu 540, 547, 539), Quốc Oai (tiểu khu 526, 538, 550), Đạ Pal (tiểu khu 544B, 557), Triệu Hải (tiểu khu 565, 571). Nổi cộm nhất là khu vực đất đỏ xã Mỹ Đức. Tháng 10, 12 - 2009 một số đối tượng vi phạm lợi dụng việc dự án thông tuyến đường 725 nên 31 đối tượng đã tổ chức phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; diện tích rừng bị phá 112 ha do Công ty lâm nghiệp Đạ Tẻh quản lý. Hiện các cơ quan ban, ngành chức năng đang tiến hành rà soát đối tượng, lập biên bản vi phạm hành chính. Các đối tượng có hành vi vi phạm nghiêm trọng như chủ mưu kích động, dùng tiền xúi giục một số đồng bào dân tộc thiểu số phát rừng trái phép, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ xử lý khởi tố nghiêm minh. Năm qua, các đơn vị chủ rừng phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa gần 439,5 ha rừng bị lấn chiếm.

 
Bước sang năm 2011, kiểm lâm địa bàn trong huyện Đạ Tẻh thường xuyên phối hợp với các chủ rừng, ban lâm nghiệp xã thực hiện tuyên truyền công tác bảo vệ, phát triển rừng, vận động xây dựng quy ước, hương ước thôn bản trong việc bảo vệ, phòng chống cháy rừng; đồng thời tham gia phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật BV&PTR. Thế nhưng  tình hình khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp và gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện. Nhu cầu sử dụng đất để sản xuất, sử dụng lâm sản tăng đã gây sức ép không nhỏ đến tài nguyên rừng, đất rừng.Việc quản lý nguồn lửa trong và ven rừng, tình trạng đốt nương làm rẫy, săn bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản chưa ngăn chặn triệt để…dẫn đến phát sinh nhiều nguy cơ cháy rừng. Trong quý I đã xảy ra 28 vụ phá rừng trái pháp luật (các doanh nghiệp được nhà nước cho thuê rừng 4 vụ, Công ty Lâm nghiệp Đạ Tẻh 24 vụ), diện tích 28 ha; khai thác rừng trái phép 4 vụ, vận chuyển lâm sản 4 vụ, mua bán và cất giữ lâm sản 2 vụ, giải tỏa diện tích phá lấn chiếm đất rừng trái phép gần 112 ha. Ngoài ra còn để xảy ra 1 vụ cháy rừng trên diện tích 20,5 ha, bị thiệt hại 90%. Về lĩnh vực giao và cho thuê đất lâm nghiệp, trên địa bàn huyện có 19 dự án / 18 doanh nghiệp, nhận trên 7.000 ha rừng đầu tư trồng rừng, trồng cao su kết hợp chăn nuôi và đầu tư du lịch sinh thái. Nhìn chung công tác phối kết hợp của các đơn vị được thuê rừng với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, việc báo cáo chưa thực hiện tốt. Một số đơn vị để rừng bị phá mà không ngăn chặn kịp thời như các Công ty: Hoàng Thịnh, Ánh Quang, Lâm Thành, Bẩy Chín… Huyện Đạ Tẻh đã có kiến nghị UBND tỉnh dừng thu hút đầu tư vào rừng trên địa bàn vì phần lớn doanh nghiệp còn thiếu thiện chí đầu tư, nặng khai thác vốn rừng và điều quan trọng nhất là phải giữ lại môi trường, đa dạng sinh học cho quỹ rừng còn lại.

Xác định quản lý, bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách, lâu dài, phức tạp nên huyện Đạ Tẻh đang chỉ đạo các cơ quan, địa phương căn cứ tình hình thực tế để xác định các khu vực trọng tâm, trọng điểm về vi phạm lâm luật; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án QLBVR, hạn chế thấp nhất các hành vi vi phạm, thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các vụ vi phạm. Chú trọng kiện toàn Ban chỉ đạo BVR&PCCR của huyện và Ban lâm nghiệp các xã. Thường xuyên nắm bắt tình hình vi phạm, đặc biệt là các vụ vi phạm lâm luật trong đồng bào dân tộc thiểu số để có hướng xử lý kịp thời. Tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các đơn vị chủ rừng đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng cho các hộ thiếu đất sản xuất; nhất là với các hộ đồng bào dân tộc gốc địa phương. Mặt khác, huyện đôn đốc các đơn vị chủ rừng tích cực, chủ động PCCR; xây dựng kế hoạch kiểm tra, truy quét các khu vực trọng điểm về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

BÌNH NGUYÊN