Rừng Đà Lạt - mối quan tâm của cả nước

02:03, 21/03/2011

Đối với thành phố du lịch Đà Lạt nhiều vấn đề liên quan đều hết sức nhạy cảm, trong đó có việc quản lý, bảo vệ rừng. Chỉ cần vài chục cây thông bị chặt hạ cũng trở thành mối quan tâm của người dân trong và ngoài tỉnh nên việc giữ rừng ở Đà Lạt là một nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là ý kiến của Bí thư Thành ủy Đà Lạt, Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (giai đoạn 2005 - 2010) diễn ra ngày 17/3.

Đối với thành phố du lịch Đà Lạt nhiều vấn đề liên quan đều hết sức nhạy cảm, trong đó có việc quản lý, bảo vệ rừng. Chỉ cần vài chục cây thông bị chặt hạ cũng trở thành mối quan tâm của người dân trong và ngoài tỉnh nên việc giữ rừng ở Đà Lạt là một nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là ý kiến của Bí thư Thành ủy Đà Lạt, Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (giai đoạn 2005 - 2010) diễn ra ngày 17/3.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại thành phố Đà Lạt luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người dân, bởi rừng không chỉ đóng vai trò phủ xanh, chống sói mòn… mà còn là “chiếc áo” sinh thái, tạo cảnh quan và điều hoà nhiệt độ cho thành phố vốn được mệnh danh có khí hậu hiền hoà, thơ mộng Đà Lạt. Mặc dù thành phố đã nỗ lực bảo vệ tài nguyên rừng trong suốt 5 năm qua nhưng đôi lúc, đôi nơi rừng vẫn bị xâm hại.

Tăng hơn 280 ha rừng  

Thông nội ô Đà Lạt bị chặt hạ
Thông nội ô Đà Lạt bị chặt hạ

Sau khi ra soát  3 loại rừng, diện tích quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp của thành phố Đà Lạt được tỉnh phê duyệt hơn 26 ngàn ha bao gồm: Diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng và đất chưa có rừng. Trong đó chiếm phần lớn là rừng phòng hộ với gần 21 ngàn ha, còn lại là rừng sản xuất trải đều ở hầu hết địa bàn 15 xã, phường thuộc thành phố. Địa phương có diện tích rừng phòng hộ thấp nhất từ 1 - 3 ha (phường 6 và phường 2), cao nhất là các xã Trạm Hành, Xuân Trường và Tà Nung với hơn 2.800 ha trên mỗi địa bàn. Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Lạt, tính đến nay tổng diện tích đất có rừng toàn thành phố gần 22.100 ha, tăng gần 173 ha so với 5 năm trước. Diện tích đất có rừng tăng là bởi từ năm 2007 đến nay thành phố đã trồng được 281 ha rừng trên diện tích đất chưa có rừng, đất bị giải toả do rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên các trạng thái rừng có sự thay đổi, nhất là rừng tự nhiên giảm 108 ha so với năm 2007 do phá rừng trái phép và chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện, xây dựng cơ bản trong các dự án thuê đất rừng… Hiện tại trên địa bàn thành phố có 139 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao, cho thuê đất lâm nghiệp, thuê rừng để đầu tư trồng rừng, quản lý bảo vệ, sản xuất nông - lâm kết hợp và kinh doanh du lịch với diện tích gần 6.500 ha. Đồng thời giao khoán bảo vệ rừng cho 405 hộ với tổng diện tích rừng giao khoán gần 16 ngàn ha. Qua đó trồng cây phân tán trên các tuyến phố, công viên, đường giao thông, khuôn viên các trường học, công sở với số lượng 89 ngàn cây xanh. Công tác phòng phòng công cháy rừng luôn chủ động, áp dụng nhiều biện pháp tích cực nên số vụ cháy giảm dần qua hàng năm, trong 5 năm qua để xảy ra 49 vụ/84 ha, song các vụ cháy chủ yếu ở đối tượng thảm cỏ, bụi cây nên không gây thiệt hại về tài nguyên rừng.

Chưa cương quyết xử lý các đối tượng

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nêu trên, thành phố Đà Lạt vẫn đứng trước nguy cơ rừng bị xâm hại nếu không có những biện pháp giải quyết đồng bộ. Theo Bí thư Thành uỷ Đoàn Văn Việt, trong thời gian gần đây trên địa bàn thành phố xẩy ra một số vụ lấn chiếm đất rừng, ken gốc thông hay các vụ cháy rừng tuy không lớn nhưng cho thấy công tác bảo vệ rừng đôi lúc, đôi nơi chưa được chính quyền địa phương xã, phường quan tâm đúng mức. Đặc biệt là tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra ở địa bàn  các xã Xuân Thọ, Tà Nung và phường 7 cần phải được xử lý cương quyết.Đáng nói hơn tình trạng phá rừng trái phép tăng theo hàng năm, nếu như năm 2006 diện tích rừng bị chặt phá chỉ là 1,9 ha thì năm 2010 vừa qua số diện tịch rừng tự nhiên xâm hại lên tới 18,6 ha. Một số dự án thuê đất rừng để kinh doanh nhưng không thực hiện theo đúng giấy phép đầu tư, ít nhất có 8 dự án liên quan đến 205 ha rừng đã bị thu hồi.

 

 

Trong 5 năm, các cơ quan chức năng thành phố đã tổ chức thực hiện 764 lượt tuần tra, truy quyét các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, mua bán kinh doanh vận chuyển lâm sản…Phát hiện tổng số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý đất đai gần 1.300 vụ, trong đó xử lý hành chính 1.200 vụ, xử lý hình sự 21 vụ và chuyển cơ quan điều tra xử lý 29 vụ. Đặc biệt, trong thời gian gần đây tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra có chiều hướng gia tăng, phức tạp, nhất là xuất hiện một số địa bàn trọng điểm đó là phường 7 và xã Tà Nung. Nguyên nhân do công tác tuần tra,kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, ngăn chặn xử lý thiếu cương quyết. “Có trường hợp chặt hạ thông, san gạt  cả vài ngàn m2 đất rừng mà chính quyền địa phương không biết không thể chấp nhận được. Đất rừng  bị lấn chiếm đến khi tiến hành giải toả thì cà phê đã cho thu hoạch là vì các cấp ngành, chính quyền địa phương chưa kiên quyết xử lý các đối tượng” – Bí thư Đoàn Văn Việt nhận định.

Để đảm bảo giữ diện tích rừng hiện có, từng bước nâng cao độ che phủ lên 62%, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, ông Võ Ngọc Hiệp cho hay, Thành uỷ sẽ ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thành phố, do đó các Đảng uỷ xã, phường và chính quyền địa phương, các ngành chức năng phải quán triệt cho toàn thể cản bộ, viên chức và người dân xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ngành, địa phương. Đồng thời tăng cường truy quét xử lý các đối tượng vi phạm, quản lý chặt các cơ sở chế biến lâm sản và xử lý nghiêm các trường hợp tiếp tay, bao che phá rừng. Đặc biệt phải huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng, xây dựng các phương án, giải pháp đồng bộ để quản lý rừng, bảo vệ và phát triển rừng một cách hiệu quả.

HỒ XUÂN TRUNG