Giống - một yếu tố làm nên thương hiệu

03:04, 19/04/2011

Bằng sự tâm huyết và kiên trì sau nhiều năm mò mẫm, khảo nghiệm, lãnh đạo địa phương, các kỹ sư nông nghiệp và nông dân ở “vựa lúa” Cát Tiên đã thành công trong việc thiết lập một quy trình sản xuất lúa giống chất lượng cao (CLC), góp phần tạo nên thương hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên”.

Bằng sự tâm huyết và kiên trì sau nhiều năm mò mẫm, khảo nghiệm, lãnh đạo địa phương, các kỹ sư nông nghiệp và nông dân ở “vựa lúa” Cát Tiên đã thành công trong việc thiết lập một quy trình sản xuất lúa giống chất lượng cao (CLC), góp phần tạo nên thương hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên”.
 
Trồng khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao
Trồng khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao

Xuất phát từ thực tế, là đa số bà con nông dân vẫn còn lạc hậu trong tư duy, sản xuất theo lối cũ, chọn ngay lúa “thịt” từ đồng ruộng để làm lúa giống vụ cho sau, nên chất lượng hạt giống không cao, lai tạp và thường xuyên nhiễm dịch hại. Trong những năm qua, UBND huyện Cát Tiên đã chỉ đạo các ngành chuyên môn (Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp huyện…) tổ chức khảo sát, quy hoạch vùng sản xuất lúa giống CLC phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; đồng thời, “gõ cửa” các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về giống lúa ở Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam và các Trường Đại học Cần Thơ để đưa các giống mới về trồng khảo nghiệm. Từ 35 ha được trồng thí điểm ban đầu vào năm 2005, đến năm 2010, diện tích sản xuất lúa giống của Cát Tiên đã lên tới 300 ha, sản lượng 1.800 tấn. Qua rất nhiều giống lúa đã được trồng khảo nghiệm đến nay ngành nông nghiệp Cát Tiên đã gặt hái thành công khi các giống lúa OM6162, OM4900 AS996, OM35-36, OM2717… bắt đầu “bén rễ, nên duyên” với chất đất và khí hậu ở đây, làm nên những cánh đồng vàng, cho năng suất đạt từ 6 - 8 tấn/ha.
           
Tính năng vượt trội của các loại giống này là chịu hạn tốt và khả năng kháng bệnh cao, thích ứng cho cả 3 vụ trong năm. Lão nông Mai Xuân Hữu - người có tiếng trong nghề trồng lúa ở thôn 2, Phù Mỹ, cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ giống, kỹ thuật và tổ chức bao tiêu sản phẩm, nhiều năm qua, nông dân trồng lúa giống, ai cũng thắng lớn!”. Riêng gia đình ông Hữu trồng gần 1 ha, thu khoảng 8 tấn, bán ngay tại ruộng với giá 6.000 – 7.000đồng/kg, cao hơn từ 1000 đến 1.500 đồng/kg so với giá ngoài thị trường.
          
Theo ông Đào Duy Mai - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên: “Để có thành công thì ban đầu cũng phải chấp nhận thất bại bằng phương pháp làm ngược”. Ông Mai lý giải: “Ví dụ, một giống chỉ thích hợp với vụ đông xuân; ít khả năng thích hợp với vụ mùa… Nhưng để có nguồn giống phục vụ cho sản xuất đại trà ở vụ đông xuân, thì bắt buộc phải sản xuất giống đó ở vụ mùa…”. Trong quá trình thực hiện, đã hình thành các tổ sản xuất lúa giống mà những nông dân tham gia vừa trực tiếp sản xuất vừa là cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nông dân tham gia sản xuất lúa giống. Đến nay, huyện Cát Tiên đã thành lập thêm 4 tổ hợp tác sản xuất lúa giống ở các xã Phù Mỹ, Gia Viễn. Riêng vụ đông xuân 2010 – 2011, các tổ đã đưa ra thị trường 50 tấn lúa giống có nhãn mác, bao bì và khoảng 200 tấn giống lúa thô. Giá bán cao hơn hẳn giá lúa thương phẩm. Theo lộ trình từ nay đến năm 2015, huyện Cát Tiên phấn đấu thực hiện đạt 420 ha đất sản xuất lúa giống (có xác nhận) với sản lượng trên 2.500 tấn, chủ yếu vẫn tập trung quy hoạch vùng sản xuất ở những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu tại các xã trọng điểm (Phù Mỹ, Gia Viễn, thị trấn Đồng Nai). Ngoài các giống lúa đã được khẳng định, ngành Nông nghiệp Cát Tiên đang tiếp tục khảo nghiệm, nhân rộng nhiều giống mới, mà điển hình đó là giống OM5472 đã bước đầu thích nghi và không lâu nữa sẽ nằm trong danh mục các giống lúa CLC được trồng ở Cát Tiên.

Dù vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu về giống cho bà con nông dân, song những gì mà Cát Tiên đang nỗ lực thực hiện, là cơ sở để tin về một tương lai không xa Cát Tiên không chỉ là “vựa lúa” thương phẩm mà còn là trung tâm sản xuất, cung ứng lúa giống của tỉnh.

THẾ ANH