Đối mặt với khó khăn ngay từ đầu vụ

02:04, 19/04/2011

Những ngày qua, giá cà phê Tây Nguyên tăng cao khiến cho nhiều hộ dân khấp khởi mừng vui. Tuy nhiên, nhiều thứ xung quanh cây cà phê mà người nông dân phải đối mặt cũng thật đáng nói, đáng quan tâm tháo gỡ nhằm giúp cho niềm vui ấy của nông dân càng thêm trọn vẹn.

Những ngày qua, giá cà phê Tây Nguyên tăng cao khiến cho nhiều hộ dân khấp khởi mừng vui. Tuy nhiên, nhiều thứ xung quanh cây cà phê mà người nông dân phải đối mặt cũng thật đáng nói, đáng quan tâm tháo gỡ nhằm giúp cho niềm vui ấy của nông dân càng thêm trọn vẹn.

Tính đến cuối tháng 4, nhà nông Tây Nguyên đã kết thúc một niên vụ cà phê với nhiều niềm vui vì được giá và đang bước vào một vụ cà phê mới với không ít hy vọng. Trong hiện tại, cây cà phê Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn “ngậm hạt” cho vụ thu hoạch tới.
 
Mỗi mùa khô, cà phê Tây Nguyên cần 3 – 5 lượt tưới.
Mỗi mùa khô, cà phê Tây Nguyên cần 3 – 5 lượt tưới.
Chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá cà phê ở Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai và Kon Tum tăng từ 39.000 đồng lên gần 50.000 đồng/kg – mức kỷ lục trong vòng 7 năm qua. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của sự tăng giá đột ngột này là do biến động ngoài dự đoán của lượng cung cà phê tại các quốc gia đứng hàng đầu về sản xuất cà phê như Indonesia, Colombia… Tại Lâm Đồng, giá cà phê đã tăng từ 42.700 đồng/kg ngày 21.2 lên 43.800 đồng/kg ngày 25.2 và tiếp tục tăng lên trên 48.000 đồng/kg hiện nay (nửa cuối tháng 4). Tương tự, tại Đắc Nông, giá cà phê vào ngày 21.2 là 42.800 đồng/kg đã tăng lên 44.500 đồng/kg vào ngày 25.2 và gần 50.000 đồng/kg hiện nay (Đắc Nông là tỉnh luôn dẫn đầu giá cà phê trong 5 tỉnh Tây Nguyên). Theo dự báo, giá cà phê thế giới trong những ngày sắp tới sẽ còn tiếp tục tăng do nguồn cung vẫn bị thắt chặt. Mới đây, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) đã đưa ra dự báo: Nguồn cung yếu sẽ hỗ trợ cho giá cà phê arabica sớm vượt ngưỡng 6.622USD/tấn; và, giá cà phê robusta cũng nhờ thế mà tăng theo.

Cũng theo các chuyên gia, thị trường cà phê thế giới trong những ngày qua đã chứng kiến sự đổi thay vượt bậc tại thị trường New York; nhưng, không chỉ dừng lại ở đó mà trong niên vụ tới, thế giới chắc chắn sẽ còn chứng kiến nhiều đổi thay bất ngờ khi biết rằng Brazil tăng lượng cầu lên đến 10% trong năm 2011; trong khi lượng cung của Indonesia (nước đứng thứ ba về xuất khẩu cà phê) cũng sẽ không khả quan như dự báo; đồng thời, điều đáng quan tâm nữa là sản lượng cà phê Việt Nam trong vụ tới có thể sẽ giảm do xuất hiện dấu hiệu già cỗi vườn cây tại khu vực Tây Nguyên (gần 30% diện tích cà phê già cỗi cần thay thế). Bên cạnh đó, cũng ở Việt Nam, đặc biệt là Tây Nguyên, thời tiết khô hạn trong những tháng gần đây (và còn tiếp tục khô hạn) đã khiến cho hàng loạt vườn cây phải đứng trước nguy cơ chết khô nếu như không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu. Theo báo cáo của các địa phương thuộc Tây Nguyên, những năm trước, nước tưới cho cây cà phê đợt một (đầu tháng 4) thường được cung cấp bởi các giếng khoan và các công trình thủy lợi nhỏ trong khu vực; thế nhưng, năm nay, hầu hết các giếng khoan và các công trình thủy lợi nhỏ trong khu vực đã cạn kiệt. Hiện tại, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông chính ở khu vực Tây Nguyên đều ở mức thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và thấp hơn so với cùng kỳ từ 17% - 75%. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong thời gian gần đây đã tăng lên khoảng 24,1% cũng khiến cho nhiều nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên gặp không ít khó khăn trong việc đầu tư chăm sóc vườn cây. Chưa hết, trong vài tháng gần đây (từ tháng 2 đến nay), hầu hết các loại phân bón đều được đẩy lên giá cao từ 1,2% - 2,5% (riêng Lâm Đồng, giá phân Ure tăng đến 7%) cũng khiến cho nhà nông vốn đã khó càng thêm gặp khó. Hiện tại, nhà vườn các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai và Kon Tum đang vào vụ tưới nước và bón phân cho cây cà phê đợt một nên các mặt hàng xăng dầu và phân bón cũng theo đó mà rục rịch nhích dần lên.

Theo quan sát của nhiều người, nhờ giá cà phê nhân tăng cao song song với dự báo nguồn cung cà phê trong vụ tới sẽ giảm sút nên ngay từ bây giờ, nhiều hộ dân canh tác cà phê của các tỉnh Tây Nguyên đã có kế hoạch đầu tư một cách thỏa đáng cho loại cây trồng này. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ, với những gì phân tích ở trên cho thấy người nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã phải đối mặt với không ít khó khăn!
 
Khắc Dũng