Những vấn đề đặt ra qua 7 năm thực hiện Luật Đất đai 2003

01:04, 10/04/2011

Luật Đất đai năm 2003 ra đời và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004. Với Lâm Đồng, qua 7 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã đem lại những tác động tích cực, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quản lý sử dụng đất đai, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Luật Đất đai năm 2003 ra đời và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004. Với Lâm Đồng, qua 7 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã đem lại những tác động tích cực, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quản lý sử dụng đất đai, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã bộc lộ những vướng mắc cần được sớm bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Những nỗ lực ban đầu

Qua 7 năm thi hành Luật Đất đai năm 2003, công tác xây dựng cụ thể hóa cơ chế, chính sách quản lý tài nguyên đất đã được UBND tỉnh bổ sung và hoạt thiện một cách tích cực phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trên cơ sở đó, đã ban hành 31 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai, góp phần sử dụng đất có hiệu quả, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Ngay sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ngành, địa phương trong tỉnh chú trọng triển khai công tác khảo sát đo đạc, lập bản đồ phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý đất đai tại địa phương. Theo đó, đến nay toàn tỉnh đã thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính với diện tích hơn 280 ngàn ha/5.156 tờ bản đồ, phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp. Công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất có chuyển biến tích cực: đã giao quyền sử dụng đất cho 280 đơn vị với gần 33,8 ngàn ha không thu tiền sử dụng đất, trên 5,87 ngàn ha có thu tiền sử dụng đất; diện tích giao khoán rừng cho các đơn vị chủ rừng trên 508 ngàn ha; diện tích giao cho cộng đồng thôn, buôn trên 1.810 ha; khoán đất, khoán rừng được trên 58,6 ngàn ha; cho 140 doanh nghiệp thuê rừng với diện tích trên 11,8 ngàn ha. Đặc biệt, đến nay, toàn tỉnh đã cấp quyền sử dụng được 89% đất nông nghiệp, khu dân cư nông thôn; đất ở đô thị đạt khoảng 88%, đất lâm nghiệp đạt 86%; ngoài ra, cấp 2.013 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1.214 tổ chức, trên 478,6 ngàn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh…

Một số bất cập nảy sinh

Có thể nói, về cơ bản Luật Đất đai năm 2003 ra đời nhiều vấn đề trong quản lý đất đai đã từng bước được tháo gỡ và dần đi vào nề nếp, đặc biệt đã từng bước xóa bỏ được cơ chế xin - cho, tạo được nguồn thu từ đất cho ngân sách Nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh một số bất cập cần sớm được khắc phục: Lâm Đồng là tỉnh có diện tích lớn, nhiều đơn vị hành chính, nhu cầu thực hiện quy hoạch khá lớn nên khó khăn trong việc cân đối ngân sách để thực hiện; biến động về sử dụng đất lâm, nông nghiệp hàng năm khá lớn, nhưng việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa kịp thời; một số đồ án quy hoạch của các ngành ngành chưa thống nhất với quy hoạch sử dụng đất của toàn tỉnh tại thời điểm lập, quy trình lập, cũng như chỉ tiêu phân loại đất nên thiếu sự nhất quán giữa các đồ án quy hoạch, hoặc quy hoạch chưa sát với tình hình và xu thế phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh; công tác thỏa thuận bồi thường chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với một số dự án đầu tư gặp khó khăn do người có đất thường đưa ra giá quá cao nên nhà đầu tư không thể chấp nhận, dẫn đến thời gian thoả thuận kéo dài gây ảnh hướng đến tiến độ thểthi công cũng như môi trường đầu tư của tỉnh… Những bất cập tồn tại trên đã làm cho tiềm năng đất đai của tỉnh chưa được khai thực sử dụng một cách triệt để, cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp của một số huyện chuyển đổi còn chậm và chưa cân đổi (vẫn còn đất 1 vụ); một số khu vực có độ dốc lớn chưa được phân định cho phát triển lâm nghiệp đã bị khai hoang làm đất nông nghiệp, chứa đựng nguy cơ bất ổn trong sử dụng đất…

Để sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng đã đề xuất kiến nghị những vẫn đề như: Khi thực hiện quy hoạch, quản lý kế hoạch sử dụng đất có thể phát sinh sự không thống nhất giữa kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất, vì vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường nên hướng dẫn cụ thể nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người dân đầu tư vào đất để tăng độ phì tiềm tàng cho đất nên điều chỉnh thời hạn đối với sử dụng đất nông nghiệp là 50 năm hoặc lâu dài; đối với đối tượng giao đất có thu tiền sử dụng đất cần bổ sung đối tượng là tổ chức được giao quyền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá để thực hiện dự án; tăng cường sự giám sát giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai của các cấp nhằm giảm bớt khiếu nại tới cấp tỉnh và Trung ương; nên phân cấp cho địa phương giải quyết thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với các khu rừng do Thủ tướng Chính phủ xác lập để đáp ứng giải quyết nhanh thủ tục đầu tư và bố trí đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất…
 
Luật Đất đai 2003 ra đời tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa phương.
Hồng Hải