Đang phải chấp hành hình phạt giam giữ ở trong trại giam nhưng vẫn có thể vay tiền từ hợp đồng bảo hiểm an sinh giáo dục. Chuyện tưởng như đùa này lại có thật 100%.
Theo đơn kiến nghị của ông Đặng Xuân Vinh gửi các cơ quan chức năng, vào ngày 11/10/2001, ông đứng tên mua hợp đồng bảo hiểm an sinh giáo dục của Công ty Bảo Việt nhân thọ Lâm Đồng cho con ông là Đặng Đức Lợi – người được bảo hiểm với số tiền 50 triệu đồng và thực hiện đóng đủ các kỳ nộp phí bảo hiểm. Do có hành vi “Cố ý gây thương tích” ông bị bắt tạm giam từ ngày 10/10/2005, chịu hình phạt tù giam có thời hạn là 9 tháng. Ông Vinh đã chấp hành xong hình phạt và được cho về cư trú tại địa phương và phải trình diện tại UBND nơi cư trú trước ngày 15/5/2006.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Theo đơn của ông Vinh, từ chữ viết đơn đến chữ ký trong đơn xin vay tiền, ký xác nhận đã nhận số tiền vay nêu trên không phải của ông, bởi thời gian giao dịch vay tiền theo hợp đồng ông đang phải thụ án tại Trại tạm giam Trại Mát, thành phố Đà Lạt. Chính vì vậy ông Vinh cho rằng người của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Lâm Đồng đã cấu kết với một số người thông đồng rút tiền của con ông. Qua đó, ông Vinh đề nghị đuổi việc người của công ty có liên quan và xử lý người đã giả chữ viết, chữ ký của ông để vay tiền theo đúng pháp luật.
Xoay quanh vấn đề nêu trên, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ái Thu – Phó trưởng Phòng Dịch vụ khách hàng, Công ty Bảo Việt nhân thọ Lâm Đồng cho biết, đúng là công ty có nhận đơn vay tiền và đã đồng ý cho vay số tiền trên, đồng thời đã chi trả số tiền này cho khách hàng. Người nhận tiền là bà Đặng Thị Huyền Ngọc (vợ ông Đặng Xuân Vinh) - mặc dù không có giấy ủy quyền của ông Vinh, mà nếu có giấy này, ông Vinh cũng không thể lập giấy ủy quyền bởi đang trong thời gian thi hành án. Cũng theo công ty, ngày 7/2/2007, công ty đã gửi thông báo về số tiền vay gốc và lãi phát sinh của hợp đồng tính đến ngày 31/12/2006 và người ký nhận thông báo là ông Đặng Xuân Vinh (lúc này đã mãn hạn tù). Bảo hiểm Nhân thọ cho rằng, sau khi tiếp nhận thông báo của công ty, ông Vinh không có bất kỳ phản hồi hay khiếu nại nào, đồng nghĩa với việc ông Vinh đã xác nhận đồng ý với nội dung thông báo các khoản vay của công ty. Tương tự ngày 7/2/2008, công ty cũng gửi thông báo về số tiền vay và lãi suất phát sinh của hợp đồng trên, người ký nhận là ông Đăng Văn Tâm (bố vợ của ông Vinh). Tuy nhiên cuối năm 2010, ông Đặng Xuân Vinh đến văn phòng công ty yêu cầu phúc đáp về khoản vay nói trên và công ty đã cử cán bộ trực tiếp đến gia đình để xác định khoản vay và được bà Đặng Thị Huyền Ngọc - vợ ông Vinh xác nhận toàn bộ khoản vay nói trên do bà ký nhận thay chồng.
Nhìn toàn bộ quá trình cho vay theo hợp đồng bảo hiểm, giữa Công ty Bảo Việt nhân thọ Lâm Đồng và khách hàng (ông Đặng Xuân Vinh), tuy số tiền không cao nhưng để lại một dấu hỏi về cách thức cho vay cũng như tính pháp lý trong các giao dịch dân sự. Bởi ông Vinh phải chịu hình phạt tù trong khi lại có đơn vay tiền theo hợp đồng bảo hiểm do ông đứng tên trong hợp đồng với Bảo Việt nhân thọ Lâm Đồng là không thể thực hiện được. Thế nhưng các thủ tục cũng như việc vay tiền theo hợp đồng kể trên vẫn đựợc thực hiện trót lọt và việc ông Vinh đề nghị xử lý các đối tượng đứng tên ông vay, ký nhận vay vốn hay người của công ty đã “tiếp tay” cho giao dịch vay vốn này hoàn tất không phải không có cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Ái Như cho rằng, kinh doanh lĩnh vực này có những rủi ro. Thực tế công ty nhận đơn vay từ Văn phòng Đức Trọng gửi lên thấy tên, địa chỉ, người vay đều phù hợp đối tượng trong hợp đồng. Sau khi cho vay rồi không thấy động tĩnh gì nên nghĩ công ty đã tiến hành các bước chặt chẽ và đây không phải trường hợp duy nhất. Còn việc cán bộ liên quan hiện không xác định được người chi số tiền này, còn người ký thông báo cho vay (Phó Giám đốc Nguyễn Thế Hạnh – PV) cũng đã chuyển công tác. Với số tiền cho vay giá trị thực tế không cao song để lại bài học về tính pháp lý thì không nhỏ, bởi cả người vay và đơn vị cho vay đã sai sót trong giao dịch tiền tệ.