Một trong những bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác phòng chống dịch hại trên vật nuôi trâu, bò và heo của xã An Nhơn của huyện Đạ Tẻh là không giấu dịch, quyết liệt “vào cuộc” phòng, chống đến cùng.
Nhờ tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nên đàn gia súc, gia cầm hơn 16.000 con của xã An Nhơn vẫn đang sạch bệnh. |
KHÔNG GIẤU DỊCH
An Nhơn là một trong những xã trọng điểm về chăn nuôi của huyện Đạ Tẻh. Theo số liệu của ông Ma Ngọc Thuận – cán bộ thú y xã – cung cấp, An Nhơn hiện có tổng đàn gia súc lên đến 2.309 con; trong đó có 550 con trâu, 438 con bò, 1.321 con heo…; đàn gia cầm gồm gần 10.000 con gà và 6.300 con vịt.
Chủ tịch UBND xã An Nhơn, ông Nguyễn Hữu Hiền, không giấu diếm: “Trong mấy tháng đầu năm nay, xã chúng tôi đã xảy ra dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc, nhưng nhờ quyết liệt phòng chống nên dịch bệnh không lây lan”. Theo số liệu của cán bộ thú y xã, ông Ma Ngọc Thuận: Do thời tiết bất thường trong những tháng đầu năm và đặc biệt là do bị “bao vây” bởi những địa phương lân cận nên khoảng tuần giữa tháng 2.2011, dịch LMLM đã xuất hiện trên đàn gia súc của xã. Cụ thể, tại hai thôn 1 và 6 vào ngày 18.2 đã xuất hiện dịch LMLM trên đàn trâu và bò. Điều đáng nói là, sau khi phát hiện sự bất thường trên đàn trâu và bò của gia đình, các hộ dân trong xã đã ngay lập tức báo cho chính quyền và cơ quan thú y của địa phương về tình hình dịch bệnh để các cơ quan chức năng của xã cùng vào cuộc với các hộ gia đình. Về phía xã, ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo đã ngay lập tức chỉ đạo cơ quan chuyên môn báo lên cấp trên và đồng thời quyết liệt cùng với các hộ dân bao vậy phòng chống dịch. Tại An Nhơn, trong “Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2011” có đoạn ghi rõ: “Tăng cường công tác tiêu độc khử trùng trên vùng có dịch và cả địa bàn chưa có dịch. Thường xuyên kiểm tra, báo cáo tình hình dịch khi xảy ra; “không giấu bệnh, không bán gia súc, gia cầm, thủy cầm bị bệnh”. Nếu phát hiện ổ dịch thì báo ngay cho cơ quan gần nhất hoặc số điện thoại đ/c trưởng ban chỉ đạo 0633.604037, hoặc đ/c Thuận cán bộ thú y xã số 0932.782955”. Hẳn việc công khai dịch bệnh và công khai số điện thoại như thế này của xã An Nhơn là việc làm đáng để nhiều địa phương khác trong cả tỉnh suy ngẫm trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc và gia cầm đang phát triển mạnh như hiện nay!
QUYẾT LIỆT PHÒNG CHỐNG DỊCH
Từ quyết tâm của cơ quan chức năng cùng với ý thức tự giác của người dân nên mặc dầu bệnh LMLM trên đàn gia súc của xã An Nhơn dẫu có xảy ra nhưng đã được khống chế kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.
Như trên đã nói, vào ngày 18.2.2011, dịch LMLM bắt đầu xuất hiện tại hai thôn 1 và 6 với cả đợt có 24 con bò và trâu bị bệnh. Ông Ma Văn Thuận, cán bộ thú y xã An Nhơn, phát biểu: “Điều đáng biểu dương là các hộ dân có gia súc bị bệnh không những không giấu dịch, không bán tháo vật nuôi bị bệnh mà còn tạo mọi điều kiện để cán bộ thú y khoanh vùng, phòng chống. Tiêu biểu trong việc phòng, chống dịch LMLM, không để dịch lây lan là các hộ Tô Minh Trung, Phạm Văn Tiên, Trần Thị Bảy… ở thôn 1; các hộ Nhan Văn Đường, Nhan Văn Quyết… ở thôn 6”. Nhờ phát hiện kịp thời và nhanh chóng khoanh vùng, không để dân chăn thả gia súc bị bệnh ra ngoài cùng với việc tích cực chữa trị, toàn bộ 24 con trâu và bò bị LMLM của xã An Nhơn đến ngày 28.2 vừa qua đã khỏi bệnh, không phải tiêu hủy con nào. Và, từ cuối tháng 2 đến nay, địa phương này không xảy ra tình trạng lây lan dịch LMLM trên đàn gia súc.
Năm ngoái, trước nạn dịch heo tai xanh hoành hành dữ dội tại nhiều địa phương trong tỉnh, An Nhơn cũng đã có đến 261 con heo (quy thành 8,7 tấn thịt) mắc bệnh và phải tiêu hủy. Năm nay, đến lúc này, nhờ là tốt công tác phòng chống dịch nên đàn heo của xã mặc dầu đang bị “bao vây” bởi các địa phương lân cận nhưng vẫn được an toàn là điều đáng mừng. “Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi chủ quan. Hiện, xã chúng tôi đã thành lập tổ giám sát dịch bệnh ở tất cả các thôn, buôn do trưởng thôn hoặc bí thư chi bộ thôn làm tổ trưởng. Đồng thời, xã chúng tôi cũng đã đưa ra phương án là khi xảy ra dịch bệnh sẽ huy động tối đa về con người và phương tiện để vào cuộc phòng chống dịch. Bên cạnh đó, xã cũng công khai cho người dân biết rằng, nếu dịch bệnh xảy ra, hộ nào hoặc cá nhân nào không tổ chức tiêu hủy mà vứt xác gia súc, gia cầm xuống sông, xuống suối thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định” – ông Lưu Văn Phượng, Phó Chủ tịch xã An Nhơn, cho biết thêm.