Đào tạo nghề ở nông thôn

03:05, 08/05/2011

Người lao động được hỗ trợ học nghề và có việc làm sau đào tạo; các đơn vị dạy nghề và chủ sử dụng lao động giảm được “gánh nặng” về chi phí đào tạo nghề, là những lợi ích thiết thực mà “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” mang lại (theo Quyết định 1946 của UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 25/08/2010.

Người lao động được hỗ trợ học nghề và có việc làm sau đào tạo; các đơn vị dạy nghề và chủ sử dụng lao động giảm được “gánh nặng” về chi phí đào tạo nghề, là những lợi ích thiết thực mà “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” mang lại (theo Quyết định 1946 của UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 25/08/2010.
 
HTX Hữu Hòa tổ chức lớp học nghề đan len công nghiệp tại xã Lộc Thanh (Bảo Lộc).
HTX Hữu Hòa tổ chức lớp học nghề đan len công nghiệp tại xã Lộc Thanh (Bảo Lộc).

Chị Lương Thị Nhung (dân tộc Tày), học viên của Cơ sở tranh thêu tay Hải Yến (xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc), cho biết: “Trước đây, để có thể tham gia một lớp học như thế, tôi phải đi rất xa, chi phí học gặp khó khăn và lớp học cũng không ổn định. Kể từ khi tham gia lớp học thêu tay này, tôi được hỗ trợ tiền ăn 300.000 đồng và tiền đi lại 100.000 đồng/tháng”. Mức hỗ trợ này giúp chị Nhung và nhiều học viên khác tại Cơ sở gắn bó với lớp học. Sau khi học xong, các chị còn được cơ sở tranh thêu tay Hải Yến ký hợp đồng lao động làm việc dài hạn. Chị Nguyễn Thị Hải Yến - chủ Cơ sở tranh thêu tay Hải Yến, cho biết: “Lúc trước, người DTTS không được hỗ trợ tiền học nghề thì tôi mở lớp gặp khó khăn. Nhiều học viên phải bỏ học giữa chừng!”.

Ngoài cơ sở Hải Yến, tại thành phố Bảo Lộc hiện có nhiều lớp đào tạo nghề nông thôn được triển khai tại các xã, phường. HTX tiểu thủ công nghiệp Hữu Hòa (Đà Lạt) đã mở 5 lớp đan len công nghiệp tại Bảo Lộc, thu hút 150 lao động nông thôn. Sở dĩ HTX Hữu Hòa có thể “vươn tay” mở các lớp đào tạo nghề tại Bảo Lộc, chính là nhờ sự hỗ trợ theo Đề án 1946. Chị Vũ Thị Kim Hòa - Chủ nhiệm HTX tiểu thủ công nghiệp Hữu Hòa, cho biết: “Từ khi có Đề án, các đơn vị dạy nghề được hỗ trợ chi phí đào tạo. Cứ mỗi một học viên sau khi tốt nghiệp và được cấp bằng sơ cấp nghề, đơn vị dạy nghề được thanh toán từ 100.000 đến 300.000 đồng. Ngoài ra, đơn vị còn được thanh toán thêm 30% chi phí đào tạo/1 học viên, nếu tổ chức tại những huyện nghèo, xã nghèo hoặc dạy nghề cho người nghèo, đồng bào DTTS, người tàn tật. Mức hỗ trợ này giảm bớt được 50% chi phí đào tạo”.

Không chỉ giải quyết nỗi lo chi phí đào tạo, việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn giúp tạo nguồn lao động tại chỗ. Người lao động gắn bó lâu dài với cơ sở nhờ nguồn thu nhập ổn định từ 1 - 2 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện Đề án đào tạo nghề nông thôn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Mức hỗ trợ chỉ đến tay học viên sau khi đã học xong. Một số cơ sở đào tạo phải chi tạm ứng trước tiền hỗ trợ cho học viên. Do vậy, theo chị Nguyễn Thị Hải Yến: “Đơn vị chủ quản nên chi tạm ứng trước kinh phí cho cơ sở dạy nghề để cơ sở chi trả tiền lương cho giáo viên và tiền nguyên vật liệu học nghề. Ngoài ra, hình thức tổ chức đào tạo nghề nông thôn có thể linh hoạt, không nhất thiết chỉ tập trung một chỗ và trong một thời gian nhất định”.

ĐÔNG ANH