Được mùa quỳnh thơm

03:05, 29/05/2011

Từ sau rằm tháng tư âm lịch đến nay, cả ngàn chậu quỳnh hương ở Thung lũng hoa đào Mười Lời vào mùa nở rộ, rực rỡ sắc màu và nồng nàn hương thơm.

Từ sau rằm tháng tư âm lịch đến nay, cả ngàn chậu quỳnh hương ở Thung lũng hoa đào Mười Lời vào mùa nở rộ, rực rỡ sắc màu và nồng nàn hương thơm.

Chủ nhân của Thung lũng hoa đào Mười Lời, Đà Lạt, vợ chồng anh Bùi Văn Sang đã chụp khá nhiều ảnh hoa quỳnh hương trong vườn nhà nở trắng tinh vào ban đêm. Hoa quỳnh đêm lặng lẽ khoe sắc, toả hương từ 20 giờ đến 24 giờ khuya vắng rồi tàn rơi những cánh hoa mỏng manh khi ngày mới bắt đầu. Anh Sang ước lượng với hơn chục hoa quỳnh đêm đã nở từ hàng chục bông đến cả trăm bông mỗi đêm - kể từ rằm tháng tư âm lịch đến nay. Mọi năm vào mùa quỳnh đêm nở liên tục đến qua rằm tháng năm âm lịch; năm nay với chế độ chăm sóc khác biệt hơn, hy vọng thời gian này sẽ kéo dài hơn.

Bên cạnh quỳnh hương nở vào ban đêm, phục vụ cho những khách muốn đến “khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”, vườn hoa Mười Lời cũng đang vào mùa quỳnh hương nở vào ban ngày, gọi là hoa nhật quỳnh, cả ngàn chậu. Anh Sang cho biết, vườn có hơn 5 màu nhật quỳnh cho hoa vào ban ngày, gồm các màu như đỏ, vàng, trắng, tím, hồng phấn. Cứ hai ngày cắt hoa nhật quỳnh bán một lần với cả trăm lá, mỗi lá có từ chục đến hàng chục nụ hoa, giá trên dưới 10 ngàn đồng. Người Đà Lạt mua hoa nhật quỳnh về nhà, cắm vào bình, ngắm hoa nở trên dưới 5 ngày, có khi kéo dài cả tuần mới tàn. Ở xứ đồng bằng, nhật quỳnh Mười Lời mua về chơi cũng giữ hoa nở được trên dưới 3 ngày. “So với mùa nhật quỳnh năm ngoái, mùa nhật quỳnh năm nay, giá bán mỗi lá hoa tăng cao đến gấp 2 lần” - anh Sang nói.
 
Hoa nhật quỳnh Mười Lời giữ hương sắc lâu ngày
Hoa nhật quỳnh Mười Lời giữ hương sắc lâu ngày
Tác phẩm chiết ghép nhật quỳnh mới của con trai cố nghệ nhân Mười Lời.
Tác phẩm chiết ghép nhật quỳnh mới của con trai cố nghệ nhân Mười Lời
Theo anh Sang, nhật quỳnh trồng ở Đà Lạt với khí hậu mát dịu quanh năm là một lợi thế rất dễ chăm sóc. Vào mùa thu hoạch hoa chỉ phải tưới 2 ngày một lần vào sáng sớm, tưới phun từng đám nước nhẹ phủ đều trên cành lá. Hàng tháng bón một lượng phân không đáng kể. Với môi trường chăm nuôi tự nhiên, nhật quỳnh vào mùa cho hoa mỗi năm được 3 tháng - từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 âm lịch. Nếu nhật quỳnh vẫn ổn định ở mức giá này cho đến cuối mùa, anh Sang sẽ tiếp tục cho quỳnh nở trái mùa bằng hình thức thắp sáng đèn điện vào ban đêm, từ 19 giờ tối đến 5 giờ sáng. Hiện Mười Lời có 300 chậu nhật quỳnh được trồng trong nhà mái che, chăm sóc riêng biệt để kích thích cho ra hoa trái mùa. Trung bình một chậu ra hơn 10 lá hoa, cắt cành giáp vòng đến 2 tháng là hết. Lúc này số chậu hoa cắt đầu tiên cũng vừa kịp ra lá hoa mới để thu. Cứ vậy, nhật quỳnh trái mùa trồng đúng kinh nghiệm Mười Lời được thu lá hoa gần như quanh năm.

Hoa nhật quỳnh Mười Lời nở to đều, số lượng dày đặc trên cành, màu sắc lâu phai là nhờ kỹ thuật ghép chiết khác lạ của cố nghệ nhân Bùi Văn Lời từ khoảng 5 năm về trước. Nghệ nhân Mười Lời lấy gốc cây thanh long từ Bình Thuận về chiết ghép với cành lá nhật quỳnh Đà Lạt, cho ra đời và nhân rộng loài nhật quỳnh mới của Thung lũng hoa đào. Con ruột của cố nghệ nhân Mười Lời, anh Bùi Văn Sang đã kế nghiệp và tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về kỹ thuật chiết ghép hoa nhật quỳnh này. Đó là vào tháng 3/2011, anh Sang đã đưa về cả chục gốc cây xương rồng dại to cao, gai nhọn tua tủa, tiến hành ghép với mầm cây nhật quỳnh Mười Lời. Một tháng sau - tháng 4/2011, có 5 gốc xương rồng dại ghép thành công với nhật quỳnh Mười Lời, mầm chồi nhú lên khoẻ khoắn, mở ra nhiều hy vọng về một loài nhật quỳnh mới của Mười Lời. Anh Bùi Văn Sang cho rằng, gốc cây xương rồng dại và mầm cây nhật quỳnh là một loài cây thân thảo, nên dễ bám dính vào nhau sau một tháng cấy ghép. Hình thức vẫn ghép bình thường như ghép các loài cây hoa khác, phủ ni lông buộc chặt quanh đoạn cây cấy ghép, tuyệt đối không để thấm nước thì kết quả sẽ đạt cao hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là chọn thời điểm ghép thích hợp nhất trong ngày ở Đà Lạt về nhiệt độ, thời tiết, ánh sáng…

Cách đây 4 năm, tác phẩm hoa nhật quỳnh Mười Lời ghép giữa cây thanh long Bình Thuận với nhật quỳnh Đà Lạt, đã đoạt Huy chương Vàng tại Hội hoa xuân thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, nhật quỳnh Mười Lời vẫn đều đặn những mùa hoa nở rộ, thơm hương và “thơm” cả về giá trị kinh tế. Nay thêm một loài hoa nhật quỳnh mới của con trai cố nghệ nhân Mười Lời, Bùi Văn Sang kể trên, Thung lũng hoa đào Mười Lời tiếp tục cuốn hút khách du lịch, khách nghiên cứu và khách nông dân trồng hoa đến tham quan, tìm hiểu…

VĂN VIỆT