Thí sinh Lâm Đồng chọn thi vào khối nào nhiều nhất?

04:05, 25/05/2011

Với tổng số 33.751 hồ sơ của gần 18 nghìn thí sinh trong tỉnh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm nay, sơ bộ có thể thấy xu hướng chọn trường, chọn nghề của học sinh Lâm Đồng ra sao.

Với tổng số 33.751 hồ sơ của gần 18 nghìn thí sinh trong tỉnh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm nay, sơ bộ có thể thấy xu hướng chọn trường, chọn nghề của học sinh Lâm Đồng ra sao.

Như thông lệ hằng năm, việc thu nhận hồ sơ dự tuyển đại học, cao đẳng trong tỉnh năm nay bắt đầu từ 11/3 và kéo dài trong 1 tháng, cho đến 14/4 mới khóa sổ. “Các thí sinh có một tháng để chọn trường, chọn ngành, chọn nghề, nhưng tất nhiên trước đó các em cũng đã suy nghĩ kỹ với sự giúp đỡ của cha mẹ, nhà trường, bạn bè…” - ông Phạm Hữu Luận, Trưởng Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp - Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Lâm Đồng nói. Đúng ngày 7/5, bộ phận thu nhận hồ sơ dự tuyển tại Sở sau khi thống kê đã chuyển lại cho Bộ GD-ĐT để đưa đến các trường.
 
Học sinh Trường THPT Trần Phú tại hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh toàn tỉnh lần thứ 3/2011.
Học sinh Trường THPT Trần Phú tại hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh toàn tỉnh lần thứ 3/2011.

Theo thống kê, mùa thi năm nay có gần 18 nghìn thí sinh trong tỉnh đăng ký dự thi vào 175 trường đại học, cao đẳng trong nước. Số thí sinh này chủ yếu là học sinh của các trường trung học phổ thông trong tỉnh, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, riêng lượng thí sinh tự do khoảng 2.000. Theo quy định, mỗi thí sinh có quyền nộp đơn thi ở cả 3 đợt thi (đợt 1 từ ngày 3/7 đến ngày 5/7 cho khối A và V; đợt 2 từ ngày 8/7 đến ngày 10/7 cho khối B,C,D và các khối năng khiếu; đợt 3 từ 14-16/7 dành cho hệ cao đẳng các khối A,B,C,D). Tổng cộng trong đợt này Sở GD-ĐT Lâm Đồng nhận được 33.751 hồ sơ (tính trung bình mỗi thí sinh đăng ký dự thi khoảng 1,8 hồ sơ), trong đó có 32.615 hồ sơ đăng ký vào nguyện vọng 1, còn lại 1.132 hồ sơ đăng ký vào các trường không tổ chức thi nên phải thi ở một trường khác (ví dụ thi tại Đại học Đà Lạt nhưng chọn học tại Đại học Yersin).

Trong các khối thi (gồm khối A (Toán, Lý, Hóa), khối B (Toán, Hóa, Sinh), khối C (Văn, Sử, Địa), khối D (Văn, Toán và một trong các ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung, Nga, Đức, Nhật) và các khối năng khiếu gồm khối H (hình họa), N (nhạc), M (cho dạy mầm non như đọc, kể diễn cảm), T (thể thao), V (vẽ), S (điện ảnh), R (năng khiếu báo chí), K (kỹ thuật), khối A vẫn được thí sinh chọn lựa nhiều nhất, với 18.527 hồ sơ “đơn giản vì khối này có nhiều sự chọn lựa về ngành nghề “- ông Luận cho biết. Kế đến là khối B với 6.498 hồ sơ, rồi khối D với 6.142 hồ sơ và khối C chỉ có 1.452 hồ sơ. Các khối còn lại như khối M có 455 hồ sơ, khối T có 218, khối V 156, khối H được 150, khối N 68, khối S cũng có 68 hồ sơ. Hai khối ít nhất là khối R và K mỗi khói chỉ có 8 hồ sơ.

Về việc chọn trường, thí sinh Lâm Đồng hầu hết là chọn các trường đại học, cao đẳng ở phía nam. Trường có thí sinh đăng ký dự thi đông nhất là Đại học Đà Lạt với 4.581 hồ sơ, kế đến là Đại học Công nghiệp TP.HCM (3.450), Đại học Nông Lâm TP HCM (1650)…

Theo đánh giá của Sở GD ĐT Lâm Đồng, xu hướng chọn nghề, chọn trường thi của thí sinh Lâm Đồng trong vài năm gần đây đã có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, theo ông Luận, trước đây lượng hồ sơ hằng năm thường đổ xô vào các ngành “thời thượng" như thương mại, tài chính, ngân hàng nhưng trong 2 năm gần đây đã dần chuyển sang các ngành kỹ thuật, đặc biệt là khối nông lâm nghiệp, công nghệ sinh học. “Nhiều khả năng các ngành này khi ra trường đã có việc làm và điều này cũng là một điểm tích cực vì nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng rất cần nguồn nhân lực này trong trường hợp sinh viên tốt nghiệp ngoài tỉnh quay về làm việc”. Riêng khối C, tỷ lệ hồ sơ còn ít nhưng theo ông Luận, so với nhiều tỉnh khác thì Lâm Đồng vẫn ở mức cao. “Khối C khả năng ra trường chọn việc có hạn hẹp hơn các khối A, D nên ít học sinh chọn hơn. Tuy nhiên có thể thấy việc tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh lâu nay đã được các trường học trong tỉnh hết sức chú ý, hướng các em không chỉ ngành kỹ thuật mà còn vào các ngành xã hội nhân văn” - ông Luận cho biết.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, Lâm Đồng tuy là một tỉnh miền núi khó khăn nhưng là địa phương có tỷ lệ thí sinh hằng năm đậu vào đại học, cao đẳng khá cao. Năm 2010, Lâm Đồng có 8979 thí sinh trúng tuyển. Trường đứng đầu danh sách có thí sinh trong tỉnh trúng tuyển đầu vào và theo học trong năm vừa qua là Đại học Đà Lạt với 853 sinh viên, kế đến là Đại học Công nghiệp với 639 sinh viên. Đáng chú ý là số lượng thí sinh Lâm Đồng vào được các trường danh tiếng tại TP HCM năm 2010 cũng khá nhiều, chẳng hạn như Đại học Sư phạm TPHCM có 191, Đại học Sư phạm Kỹ thuật 187, Đại học Bách khoa TP.HCM 150, Đại học Y dược 96…

VIẾT TRỌNG