Người nhận khoán QLBV rừng được lập vườn với diện tích hợp lý

02:05, 31/05/2011

Thí điểm mô hình cho người dân được nhận khoán QLBV rừng được lập vườn ngay trong diện tích rừng nhận khoán của mình với diện tích hợp lý để người nhận khoán có thêm thu nhập từ vườn, mới mong chấm dứt được tình trạng phá rừng, lấy đất làm vườn cây trồng như hiện nay.

Trong một buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy thời gian gần đây về tình hình kinh tế – xã hội của Đà Lạt, khi đề cập đến tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn thành phố, ông Võ Ngọc Hiệp – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt đưa ra ý tưởng: Sẽ thí điểm mô hình cho người dân được nhận khoán QLBV rừng được lập vườn ngay trong diện tích rừng nhận khoán của mình với diện tích hợp lý để người nhận khoán có thêm thu nhập từ vườn, mới mong chấm dứt được tình trạng phá rừng, lấy đất làm vườn cây trồng như hiện nay.

Sau buổi làm việc này, trao đổi với ông Lê Văn Minh – Phó Giám đốc Sở NN – PTNT, ông Hiệp cho hay, tình trạng phá rừng lấy đất làm vườn mấy năm qua diễn ra trên địa bàn Đà Lạt khá nghiêm trọng, nhất là ở các địa bàn Tà Nung, thôn Măng Linh (phường 7). Trước tình hình đó, chính quyền và các ngành chức năng của TP Đà Lạt đã đồng loạt “ra quân” và kiên quyết giải tỏa những trường hợp lấn chiếm đất rừng làm đất sản xuất nông nghiệp, chỉ riêng ở thôn Măng Linh đã thu hồi hơn 70ha.
 
Ông Phạm Thanh Đa bên rừng thông gia đình trồng và bảo vệ tại hồ Tuyền Lâm
Ông Phạm Thanh Đa bên rừng thông gia đình trồng và bảo vệ tại hồ Tuyền Lâm

Việc kiên quyết giải tỏa, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép bước đầu đã có kết quả khả quan, nhưng về lâu dài sẽ gặp khó khăn; bởi lẽ, do nhu cầu sản xuất nên người dân vẫn “lén lút” tái lấn chiếm đất rừng để làm vườn sản xuất. Đến lúc đó, chính quyền và các ngành chức năng lại phải “ra quân” giải tỏa, rồi lại phải duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát, giải tỏa mà chưa chắc đã chấm dứt được tình trạng lấn chiếm đất rừng.

Thực tế đó cho thấy, để chấm dứt được tình trạng lấn chiếm đất rừng, cần phải khảo sát nhu cầu thực tế, trên cơ sở đó cho phép những hộ dân nhận khoán QLBV rừng được lập vườn sản xuất ngay trên diện tích nhận khoán QLBV một diện tích hợp lý, trên những phần đất trống, không có cây rừng. Trước băn khoăn của ông Phó Giám đốc Sở NN-PTNT rằng, nếu được cho phép lập vườn ngay trên diện tích rừng nhận khoán QLBV, người dân sẽ lợi dụng không ngừng mở rộng diện tích, ông Hiệp giải thích rằng: Khi cho phép bắt buộc người dân phải làm cam kết không được mở rộng diện tích và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trên diện tích rừng mình nhận khoán, nếu tự ý mở rộng diện tích vườn và để xảy ra tình trạng đất rừng bị lấn chiếm trái phép, chính quyền và các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo ông Hiệp, mô hình này có ưu điểm là ngoài việc được nhận tiền giao khoán QLBV rừng hàng năm, người dân có thêm thu nhập từ vườn, nên họ sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm đối với diện tích rừng nhận khoán và vườn của bản thân mình, nên sẽ ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng lây lan lấn chiếm đất rừng trái phép như đã diễn ra lâu nay.

Theo ý tưởng đây là mô hình có hiệu quả cao trong công tác QLBV rừng, nhưng thực tế như thế nào cần phải được làm thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.

Từ ý tưởng đó, ông Hiệp cho hay, ông sẽ chỉ đạo ngành lâm nghiệp của TP Đà Lạt làm thí điểm mô hình cho dân lập vườn diện tích hợp lý ngay trong diện tích nhận khoán QLBV rừng mà ngành lâm nghiệp giao trong thời gian tới. Nếu thí điểm đạt kết quả tốt sẽ nhân rộng ra toàn địa bàn thành phố.

Hoàng Vương Mỹ