Thuốc lá - vấn nạn của y tế cộng đồng

03:05, 29/05/2011

Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên thế giới với con số tử vong hàng năm 5 triệu người. Hoạt động của y tế công cộng phòng chống tác hại của thuốc lá hết sức quan trọng ở mỗi quốc gia. Thách thức hiện nay là việc kiểm soát thuốc lá chưa tốt, người sử dụng biết tác hại, nhưng không từ bỏ được thói quen hút thuốc lá và hệ thống y tế chưa đủ lực để hỗ trợ cai thuốc lá hiệu quả.

Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên thế giới với con số tử vong hàng năm 5 triệu người. Hoạt động của y tế công cộng phòng chống tác hại của thuốc lá hết sức quan trọng ở mỗi quốc gia. Thách thức hiện nay là việc kiểm soát thuốc lá chưa tốt, người sử dụng biết tác hại, nhưng không từ bỏ được thói quen hút thuốc lá và hệ thống y tế chưa đủ lực để hỗ trợ cai thuốc lá hiệu quả.
 
 

CUỘC CHIẾN CHỐNG THUỐC LÁ

Tại hội thảo chuyên đề về “Bệnh học thuốc lá” do Hội Phổi Pháp -Việt tổ chức tại Đà Lạt cuối năm 2010, hai nhà nghiên cứu người Pháp là GS.TS Martinet và BS Wirth đã trao đổi kinh nghiệm cho các bác sĩ Việt Nam về tình hình kiểm soát thuốc lá, các nguyên tắc chủ yếu của việc cai thuốc lá, ung thư phế quản ở người không hút thuốc lá. Việc kiểm soát thuốc lá được Tổ chức Y tế thế giới xem xét nghiêm túc vào ngày 27/2/2005. Nhằm phê chuẩn cuộc chiến chống thuốc lá, nhiều tổ chức khác nhau bắt đầu thực hiện hiệp ước quốc tế đầu tiên cho sức khỏe cộng đồng. Nội dung cuộc chiến chống thuốc lá gồm 38 điều mô tả các hoạt động chính cần thực hiện. Kiểm soát thuốc lá hoặc “cuộc chiến chống thuốc lá” dựa trên hàng loạt biện pháp để giảm cung cấp và nhu cầu thuốc lá với mục đích “cải thiện sức khỏe của cộng đồng bằng cách loại bỏ hay giảm sự tiêu thụ các sản phẩm của thuốc lá và giảm sự phơi nhiễm của cộng đồng với khói thuốc”. Kiểm soát thuốc lá nhắm vào việc điều tiết sự tiêu thụ thuốc lá, nhưng không phải là ngăn cấm. Sự ngăn cấm bán thuốc lá không được đề xuất do sự phụ thuộc thuốc mãnh liệt đến mức có thể gây hậu quả tức thì đó là: việc buôn hàng lậu bùng nổ với tất cả các rối loạn xã hội phát sinh theo. Mục tiêu của kiểm soát thuốc lá chính là làm “bất bình thường hóa” thuốc lá được phép lưu hành.

CÁC NGUYÊN TẮC CHỦ YẾU CỦA VIỆC CAI THUỐC LÁ

Theo nghiên cứu, có trên 70% người hút thuốc lá mong muốn ngừng hút. Tuy vậy, mỗi năm nếu 30%-40% trong số đó cố gắng bỏ thuốc thì chỉ có khoảng 5% thành công không cần sự trợ giúp. Khó khăn chính liên quan đến cai thuốc là sự phụ thuộc vào thuốc lá thường là nặng, đồng thời còn có yếu tố về thể chất và tinh thần. Sự xuất hiện chứng thèm thuốc và các triệu chứng của cai nghiện làm cho việc ngưng thuốc hết sức khó khăn và tình trạng dễ hút lại thuốc. Do đó, việc hút thuốc lá được xem như một bệnh lý mạn tính, cần có một sự chăm sóc về mặt y tế trên cả hai phương diện: thuốc men và tâm lý. Tham vấn y tế cho người hút thuốc lá bao gồm nhiều lĩnh vực để đánh giá chính xác và bệnh nhân được chăm sóc về hành vi hút thuốc, hay động cơ ngừng thuốc vốn là một yếu tố quyết định cho sự khởi đầu và duy trì việc cai thuốc lá. Việc tham vấn này cũng giúp cho phép phát hiện việc hút thuốc hay sự phụ thuộc phối hợp với thuốc lá, các bệnh tật kèm theo về tâm thần hay thể xác để có một sự chăm sóc y tế đặc biệt.

UNG THƯ PHẾ QUẢN Ở NGƯỜI KHÔNG HÚT THUỐC

Ung thư phế quản là ung thư hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Việc hút thuốc lá vẫn còn là thủ phạm chính gây ung thư phế quản. Tuy nhiên hiện nay, ung thư phế quản ở những người không hút thuốc ngày càng trầm trọng cho vấn đề sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân chính gây ung thư phế quản ở những bệnh nhân này vẫn chưa biết được, nhưng các yếu tố như: hút thuốc lá thụ động, tiếp xúc với chất khí phóng xạ radon, do bệnh lý nghề nghiệp hay môi trường, virus, nội tiết tố, các yếu tố dinh dưỡng được cho là gây ra ung thư phế quản ở người không hút thuốc. Ung thư phế quản ở người không hút thuốc có đặc tính dịch tễ học và lâm sàng đặc hiệu. Loại ung thư này thường gặp ở phụ nữ, ở châu Á, và về mặt giải phẫu bệnh hay gặp nhất là ung thư dạng tuyến. Những người không hút thuốc bị ung thư phổi có đáp ứng tốt hơn với điều trị và thời gian sống sót dài hơn so với những người hút thuốc. Nghiên cứu nhấn mạnh: ung thư phế quản ở người không hút thuốc là một bệnh lý khác biệt với ung thư phế quản ở người hút thuốc.

DỰ ÁN CAI THUỐC LÁ QUỐC GIA

Nhóm nghiên cứu PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan và Ths Lê Khắc Bảo của Trường Đại học Y Dược Tp.HCM đã kết luận: Thuốc lá là một vấn nạn của y tế cộng đồng tại Việt Nam với tỉ lệ hơn 56% nam giới hút thuốc và 1,8% ở nữ giới. Do đó, dự án cai thuốc lá quốc gia là một trong những biện pháp then chốt để làm giảm sự tiêu thụ thuốc lá quá độ trong cộng đồng. Dự án còn gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng về nhân lực và tài lực. Số lượng nhân viên y tế được đào tạo trong lĩnh vực cai thuốc lá còn rất ít. Các loại thuốc dùng trong cai thuốc lá còn đắt và chưa được chính thức có mặt trên thị trường Việt Nam. Mục đích dự án cung cấp dịch vụ khám bệnh để cai thuốc cho cộng đồng, được tiến hành song song trên 3 phương diện: lưu hành “khuyến cáo quốc gia về trợ giúp cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam”, đào tạo y khoa liên tục về chuyên ngành thuốc lá cho cán bộ y tế, triển khai hệ thống các phòng khám về cai nghiện thuốc lá trên toàn quốc. Năm 2009, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, sự giúp đỡ về kỹ thuật và tài chính của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Trường ĐH Y Dược Tp.HCM đã đưa ra “Khuyến cáo quốc gia về trợ giúp cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam”. Cuối năm 2009 việc đào tạo theo khuyến cáo quốc gia về trợ giúp cai thuốc lá được tiến hành đầu tiên. Loại hình đào tạo này dự tính đưa xuống các tỉnh thành vào năm 2010 nhưng chưa được triển khai. Ngày 15/1/2005 lần khám bệnh cai thuốc lá đầu tiên đã được tiến hành tại Bệnh viện của Trường ĐH Y Dược Tp.HCM. Một năm sau, 30% trong tổng số 1.000 người hút thuốc được khám và tham vấn đã bỏ thuốc thành công. Kế hoạch quốc gia đã dự tính xây dựng tại mỗi tỉnh, thành phố ít nhất một phòng khám tăng cường hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và đảm bảo một dịch vụ tối thiểu cai thuốc lá trong tất cả các phòng y tế khác. Đó vẫn còn là chuyện ở phía trước!
DIỆU HIỀN