Nứt đất ở Di Linh có phải là… chuyện lạ?

04:05, 05/05/2011

Sáng 4/5, Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) Lâm Đồng đã tiến hành khảo sát hiện tượng nứt đất xảy ra tại huyện Di Linh. Hiện chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân nứt đất nhưng theo nhận định ban đầu của ông Lương Văn Ngự - Phó GĐ Sở TN-MT Lâm Đồng rất có thể do nguồn nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng trong mùa khô vừa qua nên dẫn đến sự biến đổi của bề mặt địa chất.

Sáng 4/5, Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) Lâm Đồng đã tiến hành khảo sát hiện tượng nứt đất xảy ra tại huyện Di Linh. Hiện chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân nứt đất nhưng theo nhận định ban đầu của ông Lương Văn Ngự - Phó GĐ Sở TN-MT Lâm Đồng rất có thể do nguồn nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng trong mùa khô vừa qua nên dẫn đến sự biến đổi của bề mặt địa chất.

Cũng theo ông Ngự, kết quả khảo sát cho thấy, diện tích vùng ảnh hưởng do nứt đất rộng 15ha (dài 500m, rộng 300m), vết nứt rộng nhất là 15cm, sâu 2m, làm ảnh hưởng 20 nhà dân. Theo nhận định ban đầu, có 2 nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nứt đất: Thứ nhất là do cấu trúc địa chất, khu vực này có nền đất yếu, nằm sát vùng đất bùn nên xảy ra trượt lún nền; thứ hai là do tụt mực nước ngầm, vì khu vực này ở gần hồ chứa nước Tây Di Linh và nhà máy nước sạch Di Linh (sử dụng nguồn nước ngầm), vào mùa khô, mực nước ngầm tụt sẽ dẫn đến nứt đất.

Bà Nguyên Thị Huệ bên căn nhà sập do nứt đất
Bà Nguyên Thị Huệ bên căn nhà sập do nứt đất
Hiện tượng nứt đất nói trên xảy ra tại tổ 5, khu phố I, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh. Những người dân trong khu vực cho biết, hiện tượng này bắt đầu xảy ra từ cách nay khoảng một tuần, mức độ ngày càng lớn và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Sáng ngày 4/5, theo ghi nhận của đoàn khảo sát, trong khu vực này (chủ yếu nằm trong khu phố I của thị trấn Di Linh) có khá nhiều vết nứt với độ rộng bề mặt có nơi lên đến trên 20cm, chiều dài nhiều vết nứt lên đến trên 200m. Đặc biệt, có những vết nứt đi ngang qua đường lộ làm bề mặt trải nhựa của đường bị xé toạc; đồng thời, các vết nứt còn đi qua nhiều nhà dân (hiện đoàn ghi nhận có ít nhất 20 căn nhà bị ảnh hưởng) khiến nhiều người dân trong vùng đã và đang rất hoang mang. Trong 20 căn nhà bị ảnh hưởng, nặng nhất là hai ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Huệ và nhà của ông Lê Khả Toàn trên đường Nguyễn Văn Trỗi (khu phố I). Riêng ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 30m2 của bà Nguyễn Thị Huệ đã bị sụp đổ hoàn toàn. Bà Huệ cho biết: “Vết nứt đi ngang qua nhà tôi từ một tuần trước. Ban đầu, nó rộng chỉ vài cm, sau lớn dần lên, khiến cho tường nhà nghiêng và bị “xé”; đến vài hôm sau, cả ngôi nhà đổ sụp xuống”.
Trước hiện tượng bất thường này, ngày 3/4, lãnh đạo huyện Di Linh đã chủ trì một cuộc họp với các cơ quan chức năng của huyện để đánh giá tình hình và tìm giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên, sau cuộc họp, Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Canh, cho biết: Mặc dầu người dân trong vùng có hoang mang thực sự nhưng tình hình không nghiêm trọng đến mức phải di dời dân hàng loạt nên huyện chỉ đưa ra lời cảnh báo cho bà con sống trong khu vực, đồng thời báo cáo tình hình lên tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh xin ý kiến xử lý. Từ báo cáo này, sáng ngày 4/5, một nhóm cán bộ chuyên môn của tỉnh (do Sở TN-MT chủ trì) đã có mặt tại khu vực nứt đất ở thị trấn Di Linh. Tuy nhiên, sau một ngày làm việc, đoàn cũng chỉ mới ghi nhận là chính chứ chưa có kết luận chính thức về hiện tượng “lạ” này.

a
Vết nứt trên đường Hai Bà Trưng.
Theo ông Lương Văn Ngự, thực ra hiện tượng nứt đất ở Di Linh không phải lần đầu tiên xảy ra tại Lâm Đồng. Trong những năm từ 2002 đến 2005, tại khu vực núi Voi thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cũng đã từng xảy ra hiện tượng nứt đất và kéo dài trong nhiều năm. Cụ thể, năm 2005, nhiều vế nứt xuất hiện tại thôn Đarahoa của xã Hiệp An, huyện Đức Trọng khiến cho người dân trong vùng một phen hoang mang. Lần đó, cũng do Sở TN-MT Lâm Đồng chủ trì cuộc khảo sát và sau khi có kết quả của đoàn khảo sát, cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân chính của hiện tượng nứt đất tại Hiệp An là do việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức (có đến hơn 10 giếng khoan trên 1ha) nên làm cạn kiệt lượng nước trong tầng chứa nước bazan, dẫn đến tình trạng co ngót thể tích đất và các khe nứt xuất hiện.

Và trước đó, cũng chính tại thôn Đarahoa này, vào đầu năm 2002, một vết nứt dài không dưới 5km từ chân núi Voi đến tận quốc lộ 20 (Đà Lạt – TP HCM) đã “kéo” Liên đoàn Địa chất công trình miền Trung (Cục Địa chất và khoáng sản VN) vào cuộc và đơn vị này đã kết luận: Do con người khai thác nguồn nước ngầm một cách không hợp lý!

Lần này, trước hiện tượng nứt đất ở Di Linh – một trong những vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng (Di Linh có trên 40.000ha cà phê) vừa trải qua trận đại hạn, tuy chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng nhưng nhận định ban đầu của ông Phó GĐ Sở TN-MT Lâm Đồng, ông Lương Văn Ngự, không phải là không có cơ sở.

Hiện tượng nứt đất tại thị trấn Di Linh được phát hiện từ ngày 29/4, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều người dân. Trước khi ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đến khảo sát đã có một số hộ dân tự di dời tài sản ra khỏi nhà vì sợ nhà sập. Hiện Đoàn kiểm tra cũng đã đề nghị địa phương khoanh vùng để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân; hạn chế xe cộ qua lại khu vực đường bị nứt; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức đoàn khảo sát (gồm có các nhà khoa học chuyên ngành địa chất) để có kết luận cuối cùng.

Thụy Trang – Thi Hoàng