Với điều kiện thuận lợi, Bảo Lộc đang là địa phương phát triển nghề chăn nuôi bò sữa. Từ nghề này, hầu hết các hộ chăn nuôi đều có thu nhập khá và ổn định. Tuy thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào để liên kết phát triển được tổng đàn và sản phẩm sữa đạt chất lượng.
Với điều kiện thuận lợi, Bảo Lộc đang là địa phương phát triển nghề chăn nuôi bò sữa. Từ nghề này, hầu hết các hộ chăn nuôi đều có thu nhập khá và ổn định. Tuy thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào để liên kết phát triển được tổng đàn và sản phẩm sữa đạt chất lượng.
Năm 2003, được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến nông, ông Đỗ Đình Chiến (thôn Tân Ninh, xã Lộc Châu) quyết định đầu tư nuôi bò sữa. Quyết định ấy, đến nay - theo ông Chiến, là hoàn toàn đúng đắn, bởi nguồn thu nhập từ sữa bò rất cao. Trại của ông Chiến hiện có 13 con bò (gồm 10 bò sữa và 3 bò lai sind). Bình quân hàng năm, ông thu nhập (sau khi trừ mọi chi phí) được trên 100 triệu đồng.
Chăm sóc bò sữa - Ảnh : BÙI TRƯỞNG |
Ghi nhận tích cực từ các hộ chăn nuôi bò sữa đã khẳng định hiệu quả về nghề chăn nuôi tại Bảo Lộc nói chung và nghề nuôi bò sữa nói riêng. Hiệu quả ấy cũng lý giải vì sao, chỉ trong vòng 8 năm kể từ khi người dân tiếp cận với nghề, số hộ có trại bò sữa đã tăng lên gấp nhiều lần. Từ 1 vài hộ nuôi nhỏ lẻ, chỉ với số lượng 1 - 2 con ở thời điểm 2002-2003, đến nay toàn thành phố Bảo Lộc đã có 71 gia đình nuôi bò sữa, với tổng đàn khoảng 300 con. Trong đó, hàng chục gia đình đầu tư theo quy mô trang trại, với số lượng dao động từ một chục đến vài ba chục con bò. “Điều kiện tự nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng tại Bảo Lộc rất phù hợp để trồng cỏ và chăn nuôi bò sữa; hơn nữa, “đầu ra” hiện nay thuận lợi khi trên địa bàn thành phố có đến 2 công ty, là Vinamilk và Đà lạt Milk, tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm sữa với giá từ 10.500 - 11.000đ/kg, nên chúng tôi rất yên tâm phát triển đàn bò theo quy mô trang trại” - Chị Vũ Thị Vân, chủ trại bò sữa thôn Tân Lập (xã Lộc Châu), an tâm chia sẻ.
Thuận lợi là thế, nhưng khi được hỏi về định hướng phát triển tổng đàn thì phía cơ quan chuyên môn là Trung tâm Nông nghiệp thành phố cho biết, đơn vị rất quan tâm đến vấn đề này và đã xây dựng Đề án đầu tư phát triển đàn bò sữa, nhưng chưa được phê duyệt! Nông dân chăn nuôi bò vẫn đang “mày mò” học hỏi kinh nghiệm, chứ chưa chính thức được tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi bềân vững. Và một thách thức lớn hơn đối với những nông dân muốn đầu tư chăn nuôi bò sữa là vốn. Theo những gia đình chăn nuôi, vốn đầu tư ban đầu cho 1 trang trại bò sữa là khá lớn. Chỉ tính riêng tiền mua bò giống cũng từ 30 - 40 triệu đồng/con, chưa kể đến chuồng trại, thức ăn hằng ngày. “Cũng do phát triển tự phát, nên hầu như đến nay người dân chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Cả cơ ngơi hàng trăm triệu và có thể là hàng tỷ đồng đều do nông dân tự xoay xở đầu tư. Đây rõ ràng là vấn đềâ chính quyền và ngành chức năng chúng tôi cần quan tâm hỗ trợ, nếu muốn phát triển đàn bò sữa tại Bảo Lộc theo hướng bền vững!” - Ông Tống Duy Hùng, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp thành phố, khẳng định.
Phát triển đàn bò sữa theo hướng trang trại, công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chí về sản lượng và chất lượng là hướng đi bền vững. Đây là vấn đề không chỉ là nguyện vọng mà là một định hướng, một chủ trương chung mà thành phố Bảo Lộc cần quan tâm hơn, để nông dân có “cơ hội” vươn lên làm giàu và nâng tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.